Sự phân biệt, kỳ thị làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng LGBTIQ+
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, người chuyển giới nữ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 66 lần so với nhóm cộng đồng chung, còn với những người chuyển giới nam cao gấp 7 lần. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến kết quả này. Trước hết là do kiến thức và sự hiểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế. Việc ít tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là một lỗ hổng cần phải lấp đầy.
Với nhóm người chuyển giới thì hành vi chính là việc quan hệ tình dục không an toàn. Trong quan hệ tình dục thì nhóm người chuyển giới thường ở thế yếu nên việc sử dụng các biện pháp an toàn còn hạn chế. Ngoài ra, nhóm chuyển giới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng ma túy càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Áp lực về kinh tế do tỉ lệ thất nghiệp, không có việc làm ở nhóm người chuyển giới cũng lớn hơn, trong khi đó các chi phí về sử dụng hormone, phẫu thuật chuyển giới là rất cao. Sự phân biệt đối xử ngăn cản người chuyển giới tìm đến sự chăm sóc cần thiết bao gồm các dịch vụ dự phòng HIV, từ đó dẫn đến hậu quả tiêu cực về sức khỏe.
Cách nào giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chuyển giới?
Trước bối cảnh đó, Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam (VNTG) với người đứng đầu là Vũ Hoàng Mai Châu đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để giảm sự phân biệt đối xử, nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBTIQ+. Một số hoạt động cụ thể mà VNTG đã tham gia bao gồm thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho cộng đồng.
Gắn kết cộng đồng với gia đình, bạn bè đồng nghiệp thông qua những buổi chia sẻ ngoại khóa với gia đình, cơ quan, các bạn trong cộng đồng người chuyển giới. Đồng thời, đóng góp xây dựng nội dung với Ban soạn thảo Luật chuyển đổi giới tính theo quy trình và hướng dẫn quốc gia.
Một số hoạt động mà VNTG đã thực hiện.
Trong quá trình hoạt động, VNTG cũng gặp không ít khó khăn từ việc đối mặt với sự kỳ thị đến hạn chế cơ hội tiếp cận y tế, thiếu nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chúng tôi luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với người chuyển giới, Vũ Hoàng Mai Châu cho biết.
Theo đó, xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, chấp nhận sự khác biệt là cơ hội tốt cho những người chuyển giới cảm thấy thoải mái, tự tin khi thể hiện bản thân cũng như tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Đối với Vũ Hoàng Mai Châu, một trong những kỉ niệm không thể quên là ngày 24 tháng 11 năm 2015 - khi quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước, là nguồn động viên lớn, tiếp thêm hi vọng giúp cộng đồng chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình, Châu chia sẻ.
Năm 2024, VNTG rất may mắn khi có cơ hội kết nối với các Trường Đại học tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, tổ chức các sự kiện truyền thông nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTIQ+. Chương trình nhận được những phản hồi rất tích cực từ thầy cô và các bạn sinh viên tại trường.
Trong tương lai, Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động như:
- Tăng cường công tác giáo dục với mục tiêu giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTIQ+, giảm bạo lực học đường thông qua các chiến dịch nhân văn tại các trường đại học, cao đẳng.
- Thiết lập các chương trình hợp tác đa phương với Cục phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng, cơ sở y tế, để nâng cao nhận thức và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng người chuyển giới.
- Mở rộng hỗ trợ người chuyển giới được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu vùng xa.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Báo động lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm MSM |SKĐS