Hà Nội

Cách nào giảm các nguy cơ tim mạch?

06-11-2018 07:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ) thường sẽ bị tăng nguy cơ vữa xơ động mạch (VXĐM), tăng huyết áp (THA) và bệnh động mạch vành (ĐMV). Ngoài ra, ở người bệnh này cũng gia tăng các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ khác ở mạch máu não, động mạch chủ, động mạch thận...

Bệnh nhân ĐTĐ được coi là có nguy cơ về tim mạch tương đương như các bệnh nhân đã có tiền sử nhồi máu cơ tim (NMCT). Mảng xơ vữa ở bệnh nhân ĐTĐ thường là các mảng xơ vữa không ổn định, rất dễ bị nứt vỡ gây hẹp hoặc tắc các mạch máu. Các biến chứng tim mạch của ĐTĐ bao gồm: Biến chứng vi mạch (bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh), biến chứng mạch máu lớn (bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi). Khi bệnh tiến triển thì bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy tim, suy thận...

Điều trị một số biến chứng về tim mạch

Hội chứng động mạch vành cấp: Hội chứng này bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và nhồi máu cơ tim có ST chênh lên. Tiên lượng hội chứng động  mạch vành cấp trên bệnh nhân đái tháo đường thường xấu, do nhiều nhánh động mạch vành cũng bị tổn thương và hình thái tổn thương thường phức tạp, khó can thiệp.

Cách nào giảm các nguy cơ tim mạch?

Tái lưu thông động mạch vành là điều trị chính đối với bệnh nhân bị hội chứng động mạch vành cấp. Có 3 biện pháp là: Dùng thuốc tiêu sợi huyết, nong động mạch vành và phẫu thuật bắc cầu chủ - vành. Trước đây, người ta cho rằng đối với bệnh nhân đái tháo đường, phẫu thuật bắc cầu chủ-vành là biện pháp điều trị chính. Song từ khi có các loại Stent phủ thuốc, phối hợp với các thuốc ức chế thụ thể GPIIb/IIIa của tiểu cầu thì nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị hội chứng mạch vành cấp đã được cứu sống nhờ các biện pháp điều trị này.

Các biến chứng tim mạch của ĐTĐ bao gồm biến chứng vi mạch (bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh), biến chứng mạch máu lớn (bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi). Khi bệnh tiến triển thì bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy tim, suy thận...

Trước khi có Stent và thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIIa, tỷ lệ tái hẹp sau nong động mạch vành trên bệnh nhân đái tháo đường lên tới 47-71%. Nhưng khi kết hợp đặt Stent phủ thuốc cùng với các thuốc ức chế thụ thể IIb/IIIa và các thuốc chống gây kết tập tiểu cầu khác thì tỷ lệ tái hẹp chỉ còn 8,1% ở bệnh nhân đái tháo đường được can thiệp động mạch vành.

Suy tim: Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ độc lập của suy tim. Hai nguyên nhân góp phần gia tăng suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường là vấn đề nhồi máu cơ tim trong bệnh động mạch vành mạn và tình trạng tái cấu trúc thất sau nhồi máu cơ tim. Trong nhiều nghiên cứu khác nhau, người ta cho thấy bệnh nhân đái tháo đường có tần suất suy tim cao hơn hẳn bệnh nhân không đái tháo đường. Việc kiểm soát tốt đường huyết và chỉ số huyết áp sẽ giúp giảm nguy cơ suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường.

Các thuốc sử dụng nhằm phòng ngừa hoặc điều trị suy tim do đái tháo đường thường được sử dụng là thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, chất đối kháng aldosteron, thuốc chẹn beta giao cảm....

Loạn nhịp tim: Nhiều loại rối loạn nhịp có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường như ngoại tâm thu nhĩ, ngoại  tâm thu thất, rung nhĩ, bloc nhĩ - thất... Tần suất rung nhĩ trên bệnh nhân đái tháo đường chỉ đứng sau suy tim và tăng huyết áp trong khởi phát rung nhĩ.

Bệnh động mạch ngoại vi và bệnh mạch máu não: Động mạch ngoại vi thường thấy rõ nhất các tổn thương là động mạch chi dưới, động mạch thận, động mạch cảnh... Bệnh nhân ĐTĐ có tần suất bệnh động mạch ngoại vi gia tăng từ 2 - 4 lần và khoảng 15% bệnh nhân có chỉ số cổ chân - cánh tay bất thường. Tần suất bệnh cũng gia tăng theo tuổi, theo thời gian mắc bệnh đái tháo đường và bệnh thần kinh ngoại vi. Biểu hiện lâm sàng hay gặp của bệnh động mạch ngoại vi là tình trạng thiếu máu cục bộ chi dưới với biểu hiện lâm sàng là các cơn đau cách hồi. Các biện pháp điều trị bao gồm: Giảm yếu tố nguy cơ tim mạch, ức chế kết tập tiểu cầu, tái lưu thông mạch (nong mạch qua da hoặc phẫu thuật).

Đột quỵ: Đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập gây đột quỵ. Tần suất đột quỵ do tình trạng huyết khối gia tăng vì vận tốc dòng máu trong tiểu nhĩ hay trong tâm nhĩ giảm. Nguy cơ tương đối của đột quỵ trên bệnh nhân đái tháo đường tăng từ 2,5-4,1 lần ở nam và 3,6-5,8 lần ở nữ so với người không mắc đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường nếu đã có biến chứng protein niệu, bệnh võng mạc hay bệnh thần kinh tự chủ thì thường cũng bị gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ thường do tình trạng thiếu máu cục bộ ở não. Việc kiểm soát tốt đường máu, huyết áp và chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, phục hồi chức năng hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những hậu quả do tai biến mạch não gây nên.

Cách nào giảm các nguy cơ tim mạch?Rối loạn nhịp tim, suy tim là biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ.

Một số giải pháp làm giảm nguy cơ tim mạch

Nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bệnh động mạch vành cao hơn bệnh nhân không bị đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường khi bị nhồi máu cơ tim cấp cũng có nguy cơ sốc tim và tử vong cao hơn bệnh nhân không đái tháo đường. Đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 10 lần và cũng làm tăng tỷ lệ tái đột quỵ, tăng sa sút trí tuệ. Vì vậy, để giảm các nguy cơ về tim mạch người bệnh cần thực hiện một số điều sau:

Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống: Việc điều chỉnh lối sống bao gồm: Giảm cân (nếu có thừa cân hay béo phì), tăng cường vận động (tối thiểu 30 phút/ngày); khẩu phần ăn cần phải cân đối, giảm bớt các chất đường, chất béo, tăng lượng rau xanh; ngưng hút thuốc lá, không uống rượu bia nhiều. Các biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra cần kiểm soát tốt các bệnh phối hợp khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng acid uric máu...

Kiểm soát đường huyết: Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp giảm biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn. Trong một số nghiên cứu, người ta đã chứng minh có mối tương quan giữa HbA1c và biến chứng vi mạch. Nếu giảm 10% HbA1c sẽ giảm được 40-50% nguy cơ xuất hiện và tiến triển bệnh võng mạc. Khi mức HbA1C giảm được 1% sẽ giảm được 25% biến chứng vi mạch. Tương quan giữa tăng đường huyết với biến chứng mạch máu lớn không thực sự rõ ràng như tương quan giữa đường huyết với biến chứng vi mạch, nhưng một số nghiên cứu cũng chứng minh khi kiểm soát tốt đường huyết cũng sẽ giúp giảm bệnh mạch máu lớn ở tim và các cơ quan khác.

Trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2, mức HbA1c giảm 1% sẽ giúp giảm 14% tỷ lệ nhồi máu cơ tim (NMCT) và tử vong. Việc giảm đường máu sau ăn là một yếu tố quan trọng giúp giảm biến cố tim mạch.

Điều trị rối loạn lipid máu: Bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thường có tình trạng đề kháng insulin. Từ sự đề kháng insulin này cũng sẽ dẫn đến các rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ: như tăng TG, giảm HDL-C, tăng LDL nhỏ đậm đặc. Các yếu tố này sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch. Như vậy, ngoài việc điều chỉnh lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh còn cần điều trị bằng một số nhóm thuốc điều chỉnh rối loạn lipid máu như nhóm statins, fibrates…

Điều trị tăng huyết áp: Ở bệnh nhân ĐTĐ thì cần phải cố gắng đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80mmHg.

 

 


GS. TS. Nguyễn Lân Việt
Ý kiến của bạn