1. Khi nào cần điều trị mụn cóc?
Trong dân gian, có khá nhiều cách, mẹo để chữa mụn cóc. Tuy nhiên chưa biện pháp nào được y học ghi nhận là đáng tin cậy hoàn toàn. Do vậy, tốt nhất là đến chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn biện pháp điều trị thích hợp, tránh tái phát.
Nên đi khám khi mụn cóc gây ra các triệu chứng:
- Đau.
- Phát triển nhanh, lây lan sang các vùng da khác.
- Mụn cóc mọc ở bộ phận sinh dục.
- Mụn cóc tồn tại lâu trên 2 năm.
Mục tiêu điều trị mụn cóc là tiêu diệt virus và loại bỏ các tổn thương, nốt mụn mà không để lại sẹo. Lựa chọn biện pháp điều trị nào phụ thuộc vào loại mụn, độ lớn, vị trí của mụn và triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải.
2. Điều trị mụn cóc tại nhà
Khi mụn cóc có kích thước nhỏ, đường kính dưới 0.5 cm, có thể chấm dung dịch acid salicylic và lactic để làm tiêu hủy virus HPV và giúp bong tróc các tế bào sừng. Thuốc phải sử dụng nhiều tuần mới phát huy tác dụng và khiến mụn cóc biến mất hoàn toàn.
Trước khi chấm dung dịch acid salicylic, cần rửa sạch vùng chấm thuốc bằng xà phòng. Thoa thuốc mỗi lần sau khi tắm, trong khi tắm nên ngâm cho mụn cóc mềm ra, dùng đá nhám chà sát nhẹ bề mặt mụn để giảm kích thước, loại bỏ bớt các tế bào sừng đã chết.
Biện pháp này không nên sử dụng nếu mụn cóc mọc ở vị trí vùng da mặt.
Lưu ý: Chỉ bôi thuốc lên đúng vị trí mụn cóc, hạn chế tối đa thuốc lan ra vùng da xung quanh. Sau khi lấy thuốc xong, đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát.
Không dùng acid salicylic cho tổn thương mụn cóc có nhiễm trùng; người mắc đái tháo đường; bệnh nhân tim mạch; rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
3. Điều trị mụn cóc tại bệnh viện
Khi biện pháp điều trị tại nhà không mang lại hiệu quả hoặc mụn cóc quá to, lan rộng, bệnh nhân nên được điều trị tại bệnh viện.
3.1. Biện pháp làm lạnh
- Sử dụng nitơ lỏng: Biện pháp nitơ lỏng thường được sử dụng để điều trị mụn cóc cho những trường hợp khó trị (mụn to ở lòng bàn tay, bàn chân). Nitơ lỏng có nhiệt độ rất thấp (- 196 độ C) sẽ làm tổn thương mô, ứ đọng mạch máu, tắc mạch, viêm, đóng băng các khoang ngoại bào và phá hủy mụn cóc.
Biện pháp không điều trị hết mụn ngay lần đầu tiên mà thường được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 1-2 tuần, cho đến khi khỏi hoàn toàn mất khoảng 3-4 tháng.
Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây sẹo hay mất sắc tố vĩnh viễn, cũng như gây tê, mất cảm giác tạm thời. Do vậy, bệnh nhân có màu da sáng hoặc sậm màu không nên điều trị áp lạnh, đặc biệt cho các mụn cóc trên mặt.
- Sử dụng dimethyl ether và propane: Xịt lạnh bằng hỗn hợp dimethyl ether và propane (DMEP) có thể áp dụng cho mụn cóc thông thường và mụn cóc lòng bàn tay chân. Thuốc có bán dưới dạng không kê đơn, nhưng cần đọc và theo đúng hướng dẫn sử dụng một cách cẩn thận.
Biện pháp này có bất lợi là các miếng mút ẩm quá lớn đối với mụn cóc nhỏ. Các biến chứng bao gồm phồng rộp ở vùng da bình thường nếu việc đóng băng dư thừa không được kiểm soát.
Nếu phối hợp liệu pháp miễn dịch và liệu pháp làm lạnh làm giảm số lần điều trị làm lạnh.
3.2 Laser điều trị
Thường sử dụng laser xung nhuộm hoặc laser carbon dioxide.
- Laser xung nhuộm (bước sóng 582 nm) làm việc bằng cách hấp thu có chọn lọc bởi các tế bào máu. Biện pháp này ít hủy hoại và có nhiều khả năng để chữa lành mà không để lại sẹo. Quá trình điều trị không cần sử dụng thuốc an thần hoặc gây tê cục bộ để giảm đau cho bệnh nhân.
- Laser carbon dioxide hoạt động bằng cách hấp thu có chọn lọc các phân tử nước. Tia laser carbon dioxide làm bốc hơi và phá hủy mô và da. Phương pháp này có thể gây đau, nhưng không để lại sẹo rộng khi được sử dụng một cách thích hợp. Quá trình sử dụng laser carbon dioxide cần phải gây tê cục bộ để giảm đau.
3.3. Đốt điện
Biện pháp đốt bằng dòng điện cao tần được chỉ định với mụn cóc đường kính dưới 1cm, ở vị trí khó tiểu phẫu, khó dùng biện pháp khác (kẽ ngón chân, tay…).
Phương pháp này tiến hành nhanh, đơn giản, có thể khoét sâu để lấy hết nhân rễ mụn cóc, nhưng cũng vì khoét sâu nên vết thương sẽ lâu lành, có thể để lại sẹo nếu chăm sóc vết thương không tốt, gây nhiễm trùng…
3.4. Cắt bỏ mụn cóc
Phương pháp này áp dụng với mụn cóc có đường kính dưới 2cm, mọc ở vị trí bằng phẳng. Biện pháp này nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau mổ cũng dễ dàng và ít nguy cơ nhiễm trùng hơn. Tuy nhiên bệnh dễ tái phát do không lấy được hết nhân mụn. Biện pháp này cũng có thể để lại sẹo xấu.
3.5. Tiêm bleomycin hoặc interferon
Biện pháp tiêm tại chỗ được chỉ định trong những trường hợp mụn cóc khó điều trị.
4. Lưu ý đặc biệt khi điều trị mụn cóc
Trong quá trình điều trị, nhất là biện pháp chấm nitơ lỏng sẽ có nốt dịch bóng nước trên bề mặt vết thương. Tuyệt đối không được làm vỡ hoặc cố tình chọc dịch bóng nước này. Nếu thấy triệu chứng sưng, nóng, tấy đỏ và đau, tiết dịch mủ, có mùi hôi tại vết thương; toàn thân sốt cao, ớn lạnh... là dấu hiệu vết thương đã bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần quay lại bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Sau khi điều trị xong mụn cóc, có thể xuất hiện các mụn cóc ở vị trí khác. Hiện tượng này là do mụn cóc ban đầu (dân gian thường gọi là "mụn mẹ") trước khi được điều trị đã kịp phát tán virus ra các vùng xung quanh và tạo ra những "mụn con" mà chưa được phát hiện (đôi khi mụn con này cũng tự biến mất sau khi điều trị xong mụn mẹ vài tuần). Do vậy nên điều trị mụn cóc từ sớm, trước khi kịp phát tán virus.
Mời độc giả xem thêm video:
Hà Nam bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 62 triệu từ việc bán kit xét nghiệm COVID-19