Cách nào để quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường?

25-02-2025 06:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm có hiệu lực, tại một số địa phương ghi nhận nhiều cá nhân đến đăng ký kinh doanh dạy thêm khá đông. Điều này khiến không ít người băn khoăn về việc làm sao để quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường?

Việc kiểm tra, đăng ký trung tâm dạy thêm phải minh bạch

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường, có một số vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, ai là người được phép và đủ điều kiện được dạy thêm tại các trung tâm?

Thứ hai, chương trình như thế nào được xem là phù hợp, đạt chuẩn để dạy, các chương trình có nội dung trùng với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới có được dạy thêm hay không?

Thứ ba, việc quảng cáo, quảng bá chương trình, khóa học như thế nào là phù hợp và như thế nào là không phù hợp? Ai sẽ quản lý được việc này nhằm tránh tình trạng quảng cáo thổi phồng lên như quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm tra, đăng ký trung tâm dạy thêm phải minh bạch. Và để làm được điều này, cần sử dụng công nghệ, số hóa để cơ quan chức năng có thể quản lý được.

Ví dụ, chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lắp. Nếu không làm được điều này sẽ rất khó kiểm soát chất lượng. Hệ quả là gánh nặng tài chính của các gia đình không được giải quyết khi phải chi tiền nhiều hơn nhưng không đạt được kỳ vọng, học sinh vẫn thụ động.

Ngoài ra, việc quản lý dạy thêm cũng cần hướng tới việc làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi cho nhà giáo tham gia dạy thêm tại các trung tâm với điều kiện chương trình do thầy cô thiết kế phù hợp với yêu cầu, tập trung vào các năng lực chưa được thể hiện đầy đủ ở chương trình GDPT mới. Còn với các đối tượng khác như giáo viên tự do thì phải quản lý bằng các chứng chỉ cần có theo đúng quy định.

Cách nào để quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần hướng tới việc quy định rõ hơn các trung tâm chỉ được dạy thêm cái gì bởi hiện nay Thông tư 29 đã quy định rõ, việc bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng học sinh không đạt chuẩn hay học sinh tài năng đều thuộc trách nhiệm của giáo viên và nhà trường.

5 giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm

Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm vì về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.

Bộ GD&ĐT đưa ra 5 giải pháp để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, giải pháp hành chính: Ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Thứ hai, giải pháp chuyên môn: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh); tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương vả địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.

Thứ năm, giải pháp về truyền thông: Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói "không" với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cũng sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.

Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy định về dạy thêm Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy định về dạy thêm

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn