Cách nào để phát triển y tế cơ sở?

08-12-2022 16:57 | Y tế
google news

SKĐS - Mạng lưới cơ sở y tế cơ sở chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế cơ sở, dự phòngBộ trưởng Đào Hồng Lan: Đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế cơ sở, dự phòng

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Y tế cơ sở là tuyến đầu trong phòng bệnh

Hiện nay, trên cả nước đang có hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Với khoảng 80% số dân nước ta sống ở vùng nông thôn, thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 cũng đã đặt ra mục tiêu với ngành y tế là phải bảo đảm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".

Cách nào để phát triển y tế cơ sở? - Ảnh 2.

Với khoảng 80% số dân nước ta sống ở vùng nông thôn, thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đầu tư cho y tế cơ sở phải đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Chuyên môn, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường.

Đặc biệt, với các trạm y tế chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc, điều chuyển đi và đến một số y tá, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm. Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp, gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Đến nay, ngành y tế đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện…

Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế.

Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, "người gác cổng" của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở thực sự là "người gác cổng" đáng tin cậy cho người dân, đóng góp hiệu quả cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cách nào để phát triển y tế cơ sở? - Ảnh 3.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những năm qua nhân lực y tế cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể là các Dự án hỗ trợ y tế cơ sở giai đoạn 2019 – 2024 triển khai tại 26 trạm y tế điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, được cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm…

Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc…

Giải bài toán nhân lực cho y tế cơ sở

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những năm qua nhân lực y tế cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng với trên 187.000 người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước; trong đó nhân lực tuyến huyện là 115.000 người (24,5%), tuyến xã là 72.000 người (15,5%). Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng từ 84% năm 2016 lên 92% năm 2020, duy trì tỷ lệ trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh và tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động trên 95%.

Theo Bộ Y tế, cho đến nay, vẫn còn khoảng hơn 20% các trạm y tế chưa được xây dựng cũng như chưa được sửa chữa để đảm bảo theo các quy định. Về năng lực đối với y tế cơ sở, nhất là đối với tuyến xã, chỉ có 48,4% các trạm y tế đảm bảo thực hiện được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã, đây là một thực tế xảy ra và nhất là ở một số địa bàn, kể cả những tỉnh, thành phố lớn.

Trong khi đó, việc bố trí nhân lực đối với trạm y tế xã cũng còn nhiều bất cập. Thực tế, hiện một trạm y tế xã có từ 6 đến 12 người, đó là đối với những trạm y tế đông, còn thông thường là khoảng 6 đến 8 người, chưa đảm bảo được công tác phục vụ sức khỏe cho người dân…

Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Việt Nam là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn; đây là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được). Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TP.HCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên.

Trong những năm vừa qua, dù có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả.

Vì vậy, TS Hà cho rằng giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế, đặc biệt phải xây dựng được sự kết nối giữa cấp khám chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống. Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe người dân kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh.

Dự kiến điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ tháng 1/2023Dự kiến điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ tháng 1/2023

SKĐS - Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã trả lời về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Một Số Bệnh Thường Mắc Phải Vào Mùa Đông Và Cách Phòng Tránh | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn