Hôi miệng do đâu?
Có nhiều yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng và ngay cả những người khỏe mạnh cũng có lúc bị hôi miệng. Một số nguyên nhân phổ biến của chứng hôi miệng bao gồm:
Thức ăn: Thức ăn là nguồn chính gây ra mùi hôi từ miệng. Một số loại thực phẩm như tỏi, hành, thức ăn cay, gia vị lạ (như cà ri), một số loại pho mát, cá và đồ uống có tính axit như cà phê có thể để lại mùi khó chịu. Hầu hết mùi hôi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các thức ăn khác có thể mắc kẹt trong kẽ răng, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và các mảng bám răng gây ra mùi hôi miệng.
Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể để lại các chất hóa học trong miệng. Hút thuốc cũng có thể dẫn đến các nguyên nhân gây hôi miệng khác như bệnh nướu răng hoặc ung thư miệng.
Sức khỏe răng miệng kém: Khi một người không đánh răng hay vệ sinh răng thường xuyên, mẩu thức ăn còn lại trong miệng có thể bị hỏng và gây mùi hôi thối. Chăm sóc răng miệng không tốt có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong miệng, gây ra mùi hôi. Mảng bám tích tụ trên răng cũng có thể dẫn đến bệnh viêm nha chu. Khi mảng bám cứng lại được gọi là cao răng (vôi răng), cao răng chứa vi khuẩn có thể gây kích ứng nướu và dẫn đến các bệnh về nướu. Nếu viêm nướu không được điều trị có thể dẫn tới viêm nha chu.
Vấn đề sức khỏe: Nhiễm trùng xoang, viêm phổi, đau họng, viêm họng, cảm lạnh thông thường, cúm, amidan, tưa miệng, viêm phế quản, chảy dịch mũi sau, tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản, không dung nạp lactose, các vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa khác và một số bệnh về gan hoặc các bệnh về thận có thể liên quan đến hơi thở hôi.
Khô miệng: Khô miệng cũng có thể gây hôi miệng. Nước bọt giúp làm ẩm và làm sạch miệng, khi cơ thể không tiết đủ nước bọt có thể dẫn đến hôi miệng. Khô miệng có thể do các vấn đề về tuyến nước bọt, rối loạn mô liên kết, thuốc hoặc thở bằng miệng.
Dị ứng: Nhiều loại thuốc dùng để điều trị dị ứng có thể gây khô miệng, một nguyên nhân khác của chứng hôi miệng. Ngoài ra, chảy nước mũi sau là một triệu chứng dị ứng phổ biến có thể dẫn đến hôi miệng. Xoang tắc nghẽn do dị ứng cũng có thể gây khô miệng.
Nhiễm trùng miệng: Sâu răng, bệnh nướu răng hoặc răng bị tác động có thể gây hôi miệng.
Răng giả: Các mảnh thức ăn không được làm sạch đúng cách từ các thiết bị như mắc cài có thể bị thối hoặc gây ra vi khuẩn và mùi hôi. Hàm giả lỏng lẻo có thể gây lở loét hoặc nhiễm trùng miệng gây hôi miệng.
Thuốc: Nhiều loại thuốc bao gồm thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng và thuốc lợi tiểu có thể gây khô miệng, hôi miệng.
“Hơi thở buổi sáng”: Tình trạng hôi miệng vào buổi sáng rất phổ biến. Quá trình sản xuất nước bọt gần như ngừng lại trong khi ngủ, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển, gây hôi miệng.
Mang thai: Bản thân việc mang thai không gây hôi miệng nhưng cảm giác buồn nôn và ốm nghén thường gặp khi mang thai có thể khiến hơi thở có mùi. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố, mất nước và ăn nhiều thức ăn khác nhau do cảm giác thèm ăn cũng có thể góp phần gây hôi miệng khi mang thai.
Các nguyên nhân khác: Dị vật kẹt trong mũi (thường ở trẻ em), nghiện rượu và bổ sung vitamin liều lượng lớn cũng có thể gây hôi miệng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách mà hởi thở vẫn có mùi và kèm theo các dấu hiệu sau:
- Khô miệng dai dẳng
- Vết loét trong miệng
- Đau hoặc khó nhai hoặc nuốt
- Gãy răng hoặc đau răng
- Đốm trắng trên amidan
- Và/ hoặc sốt hoặc mệt mỏi.
Cũng nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ nếu hơi thở có mùi xuất hiện sau khi dùng thuốc, sau khi phẫu thuật nha khoa hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác phát triển đáng lo ngại.
Các bước chải răng đúng cách.
Làm gì để ngăn ngừa hôi miệng?
Để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Bạn cũng nhớ chải lưỡi để loại bỏ vi khuẩn bám trên bề mặt lưỡi. Đánh lưỡi có thể giúp chữa hôi miệng.
Nên gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và đảm bảo răng giả hoặc niềng răng được lắp và làm sạch đúng cách (và làm sạch răng giả kỹ lưỡng mỗi đêm).
Không hút thuốc lá.
Giữ ẩm cho miệng bằng cách uống nước và nhai kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng không đường, khi ăn nên nên nhai kỹ các loại thực phẩm để kích thích tiết nước bọt.
Bạc hà là một dược liệu tự nhiên giúp điều trị hôi miệng hiệu quả.
Nước súc miệng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng và có thể tạm thời che giấu mùi hôi miệng, nhưng nó có thể không điều trị được nguyên nhân cơ bản.
Các biện pháp tự nhiên được sử dụng trong điều trị hôi miệng bao gồm nhai bạc hà hoặc mùi tây.
Nếu hôi miệng là do vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng xoang, tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản... thì cần phải điều trị.
Nếu hôi miệng là tác dụng phụ của việc dùng thuốc, hãy thảo luận với bác sĩ xem có các lựa chọn thuốc khác có thể dùng được hay không. Không được tự ý ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Đối với những bệnh nhân bị khô miệng (xerostomia), nha sĩ có thể kê toa nước bọt nhân tạo.