Nhân lực lao động tại các doanh nghiệp giảm mạnh
Đợt dịch lần thứ 4 kéo dài đẩy hàng chục nghìn doanh nghiệp khu vực phía Nam phải tạm ngưng hoạt động. Một số người lao động về quê, số khác thuộc F0, F1 đang phải cách ly, điều trị… Do đó, khi tái sản xuất doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Bình Dương có 50.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Dịch bệnh khiến hàng chục nghìn DN ở Bình Dương phải tạm đóng cửa và chỉ còn hơn 3.000 nhà máy sản xuất theo 2 phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm".
Đến ngày 15/9, sau khi Bình Dương công bố trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách "vùng xanh", các DN bắt đầu đăng ký hoạt động trở lại (hơn 1.000 DN) nhưng phải đối mặt với tình trạng "âm" lao động.
Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, vào giữa tháng 8/2021, những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ như đang "ngồi trên đống lửa" khi các hợp đồng đặt hàng tới tấp "bay về" Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp hiện trong tình trạng sụt giảm lao động nghiêm trọng.
Trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), hiện chỉ có 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700 công nhân trong tổng số 119.300 lao động trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Nghĩa là 3/4 số lượng công nhân trong các doanh nghiệp này đã phải nghỉ việc.
"65% số công nhân trong ngành đã phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp đã bị thu hẹp chỉ còn 50%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ còn 30% do dịch bệnh quá phức tạp, công nhân xin về quê lánh dịch hết" - ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, nói.
Không riêng gì ngành chế biến gỗ, hiện nay, hàng loạt ngành nghề tham gia chuỗi sản xuất như dệt may, thủy sản, chế biến thực phẩm, máy móc công nghiệp... đều bị sụt giảm lao động nghiêm trọng, đặc biệt là tại các "điểm nóng" về dịch bệnh COVID-19 như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Những người lao động này rời đi, để lại một khoảng thiếu hụt lao động rất lớn.
Cần phủ vaccine và lập trạm y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, khiến cho doanh nghiệp rất khó có thể phục hồi năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách, khi COVID-19 thuyên giảm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) - ông Nguyễn Hoài Nam - cũng bày tỏ lo ngại: "Đứt gãy lao động là đứt gãy đáng sợ nhất".
Đại diện một số hiệp hội, ngành hàng đều khẳng định: Chỉ có tiêm vaccine mới ngăn chặn được sự rời bỏ nhà máy của công nhân, gây nên tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động và những hệ lụy sẽ làm lan rộng dịch bệnh.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, với thị trường lao động hiện nay, DN phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn, có như vậy mới đủ người làm.
Ông Tuyên cho biết, thời gian tới, thị trường lao động tại địa phương theo xu hướng cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, DN có thể cần tới 60.000 lao động do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến, chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử…
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, thông tin, các DN ngành lương thực đã đáp ứng được quy định thẻ xanh, thẻ vàng, sẵn sàng tâm thế mở cửa sản xuất thời gian tới. Tuy nhiên, cái khó khi tái khởi động là trong thời gian thực hiện "tại chỗ" vừa qua, tất cả DN đều mất đi 20% lực lượng lao động. Việc tập hợp lao động hiện nay cũng khó do mỗi tỉnh có quy định thời gian giãn cách khác nhau.
"Trong thời điểm cuối năm lượng hàng sản xuất của ngành lương thực tăng gấp 2-3 lần nên rất cần nguồn lao động để phục vụ nhu cầu. Đồng thời tài chính của DN đã kiệt quệ, cần được sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn mới với lãi suất giảm, miễn giảm thuế", bà Chi đề xuất.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - khẳng định: Phải "phủ" vaccine cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ để giữ chân lao động, duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết, ngoài việc duy trì xuyên suốt trạm y tế lưu động với hơn 100 trạm ở các địa phương, Bình Dương triển khai thành lập trạm y tế lưu động ngay trong DN, cụm, khu công nghiệp.
"Việc thành lập trạm y tế ngay trong DN nhằm tránh gãy chuỗi sản xuất, bóc tách F0 (nếu có) không để xảy ra tình trạng phải đóng cửa nhà máy khi phát hiện ca F0", ông Thao nói.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.