Nếu ngày thi đầu tiên thí sinh làm bài không tốt: Hãy quên nó đi và tập trung cho ngày thi tiếp theo
Trong 2 ngày thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, thí sinh phải làm ba bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Kết thúc ngày thi đầu tiên với 2 môn thi là Ngữ văn và Toán, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm cho rằng đề thi vừa sức và có tính phân loại cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thí sinh làm bài tốt thì vẫn có những thí sinh lo lắng khi không hoàn thành hết bài thi của mình. Điều này có thể ảnh hưởng tới tâm lý và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả những môn thi vào ngày mai.
Để động viên các sĩ tử trong trường hợp này, PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu ngay môn thi đầu con làm bài không tốt có thể sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đến các môn thi sau. Cha mẹ hãy chia sẻ với con, hướng con đến suy nghĩ về hiện tại.
"Hãy nói với trẻ, những sự việc đã xảy ra trong quá khứ dù như thế nào cũng đã trải qua rồi và mình không thay đổi được nữa. Bởi vậy, thay vì lo lắng những việc đã qua thì cần tập trung vào hiện tại. Còn trong tương lai, chúng ta cũng không biết được sẽ như thế nào.
Nếu một đề thi con thấy khó thì cũng có thể nó khó chung với các bạn. Đó là cách giúp cho con có một tâm thế thoải mái hơn, để tập trung vào môn thi hiện tại và chuẩn bị tốt cho môn thi tiếp theo", ông Nam chia sẻ.
Dành thêm lời khuyên cho thí sinh, thầy giáo Đinh Đức Hiền (giáo viên Trung tâm giáo dục Hocmai) cho rằng, các sĩ tử thi xong môn nào hãy gạt nó ra khỏi đầu và nếu có thể hãy dừng việc kiểm tra đáp án trước khi thi xong tất cả các môn.
"Nếu như những môn đầu tiên thi tốt, đó sẽ là khích lệ lớn cho các em bước vào các môn tiếp theo, nhưng trái lại nó có thể khiến các em hoang mang, lo lắng từ đó ảnh hưởng đến tâm lý làm bài môn sau. Các em là hãy giữ cái đầu lạnh, hít thở sâu, gạt tất cả những gì đã thi trước đó ra khỏi đầu, và tốt nhất là tránh xa mạng xã hội những ngày này, không xem lời giải, đáp án trên mạng vì thực tế chúng ta không thể thay đổi những gì chúng ta đã làm.
Ngoài ra, các em cũng nên gạt bỏ tâm lý môn sau phải gánh môn trước, bởi mỗi môn đều là một cuộc chiến chúng ta cần phải vượt qua, toàn tâm toàn ý cho môn đó".
Cách nào để đạt điểm cao trong bài thi tổ hợp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Ngày mai, hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào bài thi tổ hợp, theo thầy Đinh Đức Hiền, bài thi tổ hợp thường là bài thi khiến các thí sinh căng thẳng nhất bởi thời gian nghỉ giữa các môn ít. Do vậy, nếu thí sinh muốn đạt điểm cao thì không chủ quan những câu dễ và phân bổ thời gian thật hợp lý.
Chia sẻ bí quyết làm bài thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên, thầy Hiền cho biết: "Thi tốt nghiệp THPT các thí sinh nên quan trọng việc mình làm đúng bao nhiêu câu chứ không nên quan trọng mình làm đúng những câu nào. Mỗi câu đều là 0,25 điểm như nhau kể cả câu khó và câu dễ. Hãy chắc chắn mình làm đúng những câu dễ, bởi đó mới chính là những câu đưa điểm 9-10 đến hoặc lấy đi điểm 9 -10 của các bạn.
Các em hãy phân bổ thời gian thật hợp lý vì đề thi có đến 70% là những câu nhận biết, thông hiểu. Khoảng 20 câu đầu tiên là câu dễ các bạn nên làm trong vòng 15 phút. Đối với các câu hỏi vận dụng nên giải quyết trong vòng 15 phút tiếp theo và 20 phút còn lại cho những câu vận dụng cao".
Thầy Hiền cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là các sĩ tử nên lấy lại tinh thần nhanh nhất, làm tốt môn trước cũng không được chủ quan, làm chưa tốt môn trước thì cần nhắm mắt lại, hít thở thật sâu, nghĩ về những gì tốt đẹp, dành toàn bộ tâm huyết cho môn tiếp theo thì chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi một cách thành công.