PGS. TS. Vũ Lê Chuyên - Chủ tịch Hội Tiết niệu -Thận học Việt Nam.
Phóng viên: Xin PGS. cho biết việc ứng dụng robot trong phẫu thuật điều trị ung thư thận - tiết niệu hiện nay ở nước ta như thế nào?
PGS.TS.Vũ Lê Chuyên: Phẫu thuật robot là một phương pháp phẫu thuật tiên tiến hiện đại vào bậc nhất trên thế giới hiện nay. Tính ưu việt của phẫu thuật robot đã được chứng minh tại rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt phát huy tốt ở những không gian phẫu thuật chật hẹp trên cơ thể người như phẫu thuật vùng chậu. Hệ thống Robot da Vinci® được Cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận vào năm 2000 và hiện nay trên thế giới có trên 2000 máy dùng trong phẫu thuật cho nhiều chuyên ngành như niệu khoa, ngoại tổng quát, sản phụ khoa, lồng ngực, tim mạch... Với các bệnh lý ung thư chiếm tỷ lệ khá cao như ung thư trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến (TTL) thì phẫu thuật robot đảm bảo sự giải quyết triệt để về ung thư học cũng như đem lại những lợi ích về hồi phục cho người bệnh. Có thể nói, phẫu thuật robot kết hợp được cả ưu điểm của phẫu thuật nội soi cổ điển và phẫu thuật mở. Triển vọng phẫu thuật robot sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong các bệnh lý khác, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Bệnh viện Bình Dân, cho đến nay, sau 20 tháng hoạt động Bệnh viện đã phẫu thuật bằng robot cho hơn 400 trường hợp. Phẫu thuật ung thư các loại vẫn chiếm đa số, trong đó ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là 121 trường hợp, ung thư thận 89 trường hợp và ung thư bàng quang chiếm 61 trường hợp. Con số này đã phản ánh một phần tình trạng ung thư hệ tiết niệu tại nước ta, trong đó ung thư TTL chiếm vị trí hàng đầu.
Hiện phẫu thuật cắt TTL tận gốc vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị các trường hợp ung thư TTL trên những bệnh nhân khoẻ mạnh và ước lượng đời sống còn lại trên 10 năm. Đây cũng là phẫu thuật niệu khoa phổ biến nhất hiện nay.
Do trình độ dân trí còn thấp và khó khăn về kinh tế, đa số bệnh nhân bị ung thư TTL ở nước ta thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, nên thường không còn cơ hội để cắt TTL tận gốc. Gần đây, do sự phổ biến hơn của xét nghiệm tầm soát PSA, cũng như sự xuất hiện của máy siêu âm qua ngã trực tràng nhằm khảo sát tuyến tiền liệt và hướng dẫn sinh thiết TTL, số trường hợp ung thư TTL được phát hiện nhiều hơn và số bệnh nhân được chẩn đoán trong giai đoạn sớm cũng gia tăng.
Tuy nhiên trên thế giới kỹ thuật cắt tuyến tiền liệt qua nội soi kinh điển ngày càng bộc lộ những nhược điểm của nó như phẫu trường hẹp, thao tác khó khăn... Khi phẫu thuật robot ra đời, các nhược điểm nói trên ngày càng được xóa bỏ. Bệnh nhân cũng như các bác sĩ ngày càng ủng hộ cho loại phẫu thuật này.
Phóng viên: Vậy chi phí cho một ca mổ có robot tham gia giá thành cao hơn những ca mổ thông thường là bao nhiêu, thưa PGS?
PGS.TS. Vũ Lê Chuyên: Chi phí phẫu thuật robot hiện nay vẫn là một rào cản cho đa số người bệnh tại các nước đang phát triển. Tại nước ta, chi phí này khoảng trên 100 triệu đồng, nếu so sánh với các phương pháp mổ mở và nội soi thì gấp 5 - 10 lần và chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên nhiều bệnh nhân sẽ suy nghĩ và cân nhắc. Tuy nhiên nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan khoảng 10.000 USD, Phillipine 15.000 USD, Singapore 25.000 USD thì rõ ràng là chúng ta đã áp dụng tối đa những biện pháp làm giảm giá thành. Nếu so sánh với xạ trị hoặc hóa trị khi ung thư đã tiến xa (vài chục triệu mỗi tháng trong thời gian dài) thì chi phí này còn khá thấp. Vả lại khi chúng ta cân nhắc ích lợi của phẫu thuật robot khi so sánh với mổ mở thì nhiều bệnh nhân sẽ chuyển qua những kỹ thuật cao hơn. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh nhân điều trị ung thư hệ niệu bằng phẫu thuật robot đã thay đổi trong thời gian gần đây.
Phóng viên: Thưa PGS, những trường hợp nào có thể tiến hành mổ với sự tham gia của robot và những trường hợp nào chống chỉ định?
PGS.TS.Vũ Lê Chuyên: Cũng như các kỹ thuật cao khác, việc áp dụng phẫu thuật robot trong ung thư tiết niệu đòi hỏi bệnh nhân đến trong giai đoạn sớm vì nếu trễ hơn, phẫu thuật sẽ không còn ích lợi nhiều nữa. Với ung thư tuyến tiền liệt, phẫu thuật trong giai đoạn sớm sẽ giúp các bác sĩ bảo tồn thần kinh cương và chức năng kiểm soát nước tiểu sẽ tốt hơn; với ung thư thận, bệnh nhân sẽ được bảo tồn phần thận lành và chỉ cắt bướu chứ không phải cắt toàn bộ thận; và với ung thư bàng quang, bệnh nhân sẽ được tạo hình bàng quang mới bằng ruột để khỏi đeo túi hứng nước tiểu suốt đời. Khi đến với giai đoạn muộn hơn, bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa việc kéo dài tối đa cuộc sống của bệnh nhân, hạn chế tái phát với việc bảo tồn chất lượng sống và dĩ nhiên là sinh mạng vẫn là trên hết. Chúng tôi vẫn thường phải giải thích là không phải bệnh nhân hay bác sĩ hoặc kỹ thuật mổ mà chính khối u là yếu tố quyết định cho phương pháp mổ.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân
Phóng viên: Trong tương lai để có thể phát triển thành công việc ứng dụng robot trong phẫu thuật điều trị các bệnh lý ung thư thận - tiết niệu chúng ta cần phải làm gì, thưa PGS?
PGS.TS. Vũ Lê Chuyên: Đây là câu hỏi rất hay. Vấn đề được đặt ra không phải chỉ riêng cho Bệnh viện Bình Dân hay ngành y tế Việt Nam mà cũng là trăn trở của nhiều nước trên thế giới. Nếu phẫu thuật robot thực sự đem lại lợi ích sống còn cho bệnh nhân thì nhiệm vụ của chúng ta là phải đem phẫu thuật này đến cho mọi người, nhất là người nghèo. Có lẽ nước ta sẽ là một điển hình khi hạ giá phẫu thuật robot đến mức tối đa có thể được và hiện nay là thấp nhất trên thế giới. Nếu chúng ta có tâm để điều hành việc kinh doanh trong y tế thì bên cạnh lợi nhuận hợp lý, chúng ta vẫn có thể đem lại lợi ích nhất định cho bệnh nhân. Trong tương lai, khi có nhiều hãng sản xuất hơn, thì phẫu thuật robot cũng sẽ đến được với nhiều người hơn. Hiện tại, phẫu thuật robot rất cần sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế vì suy cho cùng, với vài trăm ca mổ mỗi năm thì tổng chi phí cho ngành cũng còn quá nhỏ so với các phương pháp hóa trị và xạ trị.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS!