Cách nào bảo vệ trẻ em khỏi nạn bóc lột tình dục trong Du lịch và Lữ hành?

27-10-2016 20:49 | Thời sự
google news

SKĐS -Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Bộ Tư pháp Việt Nam, hiện nay, tình trạng bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành ngày càng gia tăng. Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng khả năng di chuyển dễ dàng và sự hội nhập ngày càng mở rộng giữa các Quốc gia để xâm hại trẻ em.

Ngày 27.10.2016 tại Hà Nội, Bộ tư pháp Việt Nam và Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) kết hợp tổ chức Kỳ họp thứ hai Nhóm nghiên cứu pháp luật Khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành.

Đây là kỳ họp tiếp theo kỳ họp thứ nhất của Nhóm Nghiên cứu Pháp luật khu vực đã tổ chức tại Bangkok, Thái Lan do Bộ Tư pháp Thái Lan chủ trì (tháng 9/2015).

Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện cấp cao từ bốn quốc gia trong khu vực: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Anh, JICA và các đối tác phát triển.

Trọng tâm các nỗi lực là cải cách pháp luật và tư pháp, bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, bóc lột tình dục trẻ em ngày càng gia tăng bởi sự phát triển ngày càng ngành du lịch khu vực và quốc tế. Sự phát triển này khiến cho mỗi năm lượng khách du lịch lớn từ nước ngoài, các nước trong khu vực và cả nội địa đến các thành phố, các khu nghỉ dưỡng ven biển,và các di tích lịch quốc gia ngày càng cao. Do đó, cần phải có các biện pháp tích hợp để bảo vệ trẻ em.

Theo bà Thoa kêu gọi: “Nếu không có sự hợp tác giữa các Quốc gia thì chúng ta không thể phòng chống hiệu quả loại tội phạm có tính chất nguy hiểm này”.

Bà Thoa cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia đi đầu cho ý tưởng thành lập nhóm nghiên cứu pháp luật khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành. Sáng kiến này bắt đầu vào năm 2012, trong một cuộc họp về hợp tác thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh chống bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành của dự án của cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã có ý tưởng thành lập Nhóm nghiên cứu pháp luật khu vực. Kể từ đó, các thành viên của nhóm khu vực đã  luân phiên tổ chức các kỳ họp hàng năm.

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu tham gia

Ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc cho biết: Trọng tâm các nỗi lực phòng chống bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành của chính phủ Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan, và Việt Nam là cải cách pháp luật và tư pháp. Việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và một số luật khác có liên quan của Việt Nam hiện nay nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em.

Theo ông Christopher Batt, các đối tượng tội phạm du lịch tình dục trẻ em thường lợi dụng khả năng di chuyển dễ dàng và sự hội nhập ngày càng mở rộng giữa các Quốc gia hiện nay để tăng cường tiếp cận trẻ em và thực hiện xâm hại.

“Chúng thường khai thác những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và các biện pháp thực thi pháp luật đồng thời trốn tránh được việc bị phát hiện và nhiều đối tượng phạm tội này đã không bị đưa ra công lý” - ông Christopher Batt nhấn mạnh.

Ông Christopher Batt cho biết, hoạt động ứng phó về pháp lý và thực thi đối với tội phạm du lịch tình dục trẻ em phải toàn diện và được điều phối hiệu quả cả trong nước và với các đối tác khu vực. “Chừng nào còn tồn tại các lỗ hổng về pháp lý, các đối tượng tội phạm du lịch tình dục trẻ em sẽ còn tiếp tục trốn tránh được sự trừng phạt của công lý”- ông Christopher Batt nói.

Với bộ tài liệu  đào tạo tiêu chuẩn, Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc đảm bảo rằng các cán bộ thực thi pháp luật sẽ được trang bị cơ sở kiến thức chung dựa trên quyền, lấy nạn nhân làm trung tâm và các phương pháp tiếp cận thân thiện với trẻ để điều tra và truy tố qua biên giới.

Những đổi mới trong Bộ Luật hình sự Việt Nam đối với người phạm tội bóc lột tình dục trẻ em


Trình bày về những đổi mới trong Bộ Luật hình sự đối với người phạm tội bóc lột tình dục trẻ em, ông Trần Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hành chính Bộ pháp luật Tư pháp Việt Nam cho biết: Trong quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 đã hoàn thiện và bổ sung thêm nhiều điểm mới như:

Quy định về hành vi phạm tội của các đối tượng không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn đối với những đối tượng ngoài lãnh thổ Việt Nam;

Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam hành vi phạm tội tình dục với trẻ em phải là giao cấu giữa người khác giới với trẻ em nhưng theo quy định của bộ luật mới năm 2015, hành vi giao cấu phạm tội bao gồm cả người đồng giới giao cấu với trẻ em;

Trong vấn đề phạm tội mua bán người mà đối tượng là trẻ em thì bộ luật năm 2015 quy định đó là tình tiết tăng nặng....

Video: ông Trần Văn Dũng – Phó cục trưởng Cục Hành chính Bộ pháp luật Tư pháp Việt Nam nói về những đổi mới trong Bộ Luật hình sự đối với người phạm tội bóc lột tình dục trẻ em

Ông Christopher Batt - phụ trách Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốccho biết, với những nỗ lực từ các cơ quan và các bên liên quan, các quốc gia trong khu vực sẽ có thể tăng cường cơ sở pháp lý để đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em với những mục đích sau:

Xây dựng khuôn khổ pháp luật toàn diện, rõ ràng, và hài hòa, tập trung xử lý nguồn cầu trong cung cầu về bóc lột tình dục trẻ em; Đảm bảo việc truy tố và kết án tất cả các đối tượng trung gian;

Đảm bảo tất cả lợi nhuận và tài sản có được từ việc bóc lột tình dục trẻ em bị thu giữ và tịch thu một cách hiệu quả để đầu tư vào các chương trình chăm sóc, chữa trị phục hồi, và tái hòa nhập cho nạn nhân, trong đó có bao gồm các biện pháp bồi thường bắt buộc cho nạn nhân

Đảm bảo luật pháp quốc gia không hình sự hóa nạn nhân trẻ em bị xâm hại và bóc lột tình dục, và đảm bảo không đưa tên trẻ em vào các danh sách liệt kê đối tượng tội phạm tình dục

Đảm bảo những trẻ em phải tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự sẽ được hỗ trợ và tham vấn phù hợp nhằm giúp các em trong tất cả các giai đoạn của quy trình tố tụng, và đảm bảo rằng các em được tiếp cận với một hệ thống pháp lý nhạy cảm với trẻ em để tránh bị tổn thương thêm


Thanh Loan
Ý kiến của bạn