Liên tiếp nhiều học sinh ngộ độc do mua đồ ăn ở cổng trường
Thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh đã rất lo lắng khi thông tin được lan truyền là có lô "kẹo lạ" bán tại cổng trường học ở nhiều địa phương bị thu giữ có chứa chất gây ngộ độc.
Cách đây gần 3 tuần, tại Trường tiểu học Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn, 2 học sinh đã ăn 2 gói kẹo trước khi vào giờ học. Ngay sau khi ăn, các học sinh đã xuất hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải vào phòng y tế của trường. Công an TP.Lạng Sơn ngay sau đó đã rà soát tất cả các cửa hàng bán đồ tạp hóa ở cổng trường học và thu giữ một số lượng lớn các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 29/11, 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm Hà Nội) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn cùng một loại "kẹo lạ" không rõ nguồn gốc, có bao bì in chữ nước ngoài được mua ở ngoài trường.
Trước đó, 29 học sinh của Trường THCS & THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) có biểu hiện chóng mặt, tê môi, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một loại kẹo có chữ nước ngoài được mua ở gần cổng trường học. Do có những biểu hiện ngộ độc thực phẩm nên các em được nhà trường đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.
Cũng tại Quảng Ninh, ngày 25/11 tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), 126 em học sinh ăn "kẹo lạ" mua ở cổng trường, trong đó 5 em có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở phải theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
Hay tại Sóc Trăng, ngày 4/12, ở khu vực lề đường cổng Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa và cổng Trường Tiểu học B Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú) có xe ôtô phát nước miễn phí nên một số phụ huynh ghé vào nhận nước cho con. Sau khi uống nước này thì 4 học sinh có dấu hiệu mệt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt.
Vì sao những quán hàng rong trước cổng trường học vẫn tồn tại?
PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam cho biết, vấn đề an toàn học đường có rất nhiều thứ mà thầy cô, nhà trường, các cơ quan chức năng và chính phụ huynh cũng cần chú ý đến từ nguy cơ nguy hiểm liên quan đến đồ ăn vặt cổng trường.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, vụ "kẹo lạ" vừa qua rất may là không có chứa chất ma túy nhưng chúng ta phải luôn cảnh giác vì hiện nay có rất nhiều loại ma túy "trá hình" như bánh lười, nước vui, bùa lưỡi… mà nhiều phụ huynh không biết là gì.
Nói về việc hàng rong vẫn tồn tại xung quanh các cổng trường, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng có nhiều lý do như các con học nhiều ca, nhiều khi phụ huynh vẫn phải cho con tiền để con ăn buổi chiều giữa các ca học nhưng các con lại mua quà vặt cổng trường với tâm lý thích những gì màu sắc, mới… Về phía cơ quan quản lý thị trường thì nhiều khi làm việc không xuể vì vậy vẫn có những kẽ hở. Thêm cả lý do liên quan đến đời sống kinh tế, đó là sinh kế của nhiều người. Một trường học mọc lên thì xung quanh có nhiều người sống nhờ vào trường học do bán đồ cho học sinh.
Làm sao để bảo vệ an toàn cho con?
Cô Nguyễn Hồng Hạnh - giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn học sinh. Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất "vừa túi tiền" với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.
Theo cô Hạnh, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.
TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, chúng ta không thể dẹp các hàng quán bán rong ở cổng trường bởi vì đó là cung - cầu. Nguy hiểm lớn nhất đó là bố mẹ cho tiền trẻ hoặc mua cho con các thực phẩm ăn sẵn tại cổng trường. Các thực phẩm này đều chứa các hóa chất bảo quản, phụ gia và màu thực phẩm, người ăn khó phát hiện ra. Những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ nhiều nơi sản xuất từ xúc xích, xiên que, bim bim, thạch, kẹo, nước hoa quả… nên kiểm soát chất lượng và vệ sinh sản phẩm rất khó.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, các cơ quan quản lý tại địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra các cửa hàng, xe đẩy tại cổng trường, tốt nhất kiểm tra đột xuất các cơ sở này nếu phát hiện không đảm bảo sẽ yêu cầu đóng cửa hàng, cấm bán, xử lý nghiêm vi phạm với thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường sẽ mang tính răn đe người bán hàng. Ngoài ra, các phụ huynh và cô giáo nên tuyên truyền để học sinh tẩy chay thực phẩm không an toàn ở cổng trường, nói không với hàng hóa không có tiếng Việt, không nhãn mác.
Còn theo PGS.TS. Trần Thành Nam, một trong những cách thức để giúp bảo vệ an toàn cho con liên quan đến quà vặt ở cổng trường là những người bán hàng rong cần phải được nâng cao nhận thức, được cập nhật sản phẩm an toàn hay loại hình sản phẩm nào mà có nguy cơ có thể tẩm chất ma túy thì họ phải nhận biết được và họ phải có cam kết để không nhập những mặt hàng như vậy.
"Đối với việc bảo vệ an toàn cho con giống như việc đẩy xe lên dốc. Chúng ta phải làm thường xuyên có kế hoạch nhưng cũng phải thường xuyên kiểm tra lại, giám sát lại xem công việc đó đến đâu. Thậm chí phải đưa ra những phương pháp mới để cải tiến như giáo dục cho các con về mặt dinh dưỡng hoặc chuẩn bị đồ ăn ở nhà cho con", PGS.TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.