Quá trình này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ khiến lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí thấp của nước ta không còn là ưu thế. Thậm chí, sức ép giải quyết việc làm gia tăng, lao động của một số ngành sẽ có nguy cơ mất việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.
Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của người lao động cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chỉ khoảng hơn 3%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.
Cũng trong năm 2017, cả nước đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vừa mang về nước nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.
Tuy nhiên, thị trường lao động, việc làm của nước ta vẫn tồn tại những điểm hạn chế cần phải khắc phục. Đó là cơ cấu lao động còn khá lạc hậu: dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý. Vẫn còn một tỉ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật...Đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn cao.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và ADB, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo nghề kỹ càng, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ ứng dụng internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Nước ta cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Hàng chục triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…
Trong bối cảnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân lực, trang bị cho người lao động các kỹ năng mới. Trong thời kỳ này, nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội. Đây cũng là thời kỳ phân công lại lao động nên nếu có sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể chiếm được những thị phần mà người lao động của chúng ta thích ứng được. Tới đây, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, ngoại ngữ, lao động chất lượng cao, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp... để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Để giải quyết những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, các cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề về đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện thông tin thị trường lao động. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh, cơ - điện tử - sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc tự động. Hiện tại thì nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa… đang ở mức cao. Nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì người lao động hoàn toàn có thể tận dụng được các cơ hội.