Y tế Việt Nam cũng đang tiến hành theo hướng bệnh viện số. Với làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng nâng cấp phần mềm trong máy móc hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế được cập nhật thường xuyên, thậm chí còn nhanh hơn phần mềm điện thoại di động. Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông minh là hướng đi tương lai cho y học nước ta.
Xu hướng của nền y tế thông minh
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Sau thời gian đi vào hoạt động, người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau 3 năm triển khai, hầu hết các bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định khám chữa bệnh BHYT điện tử. Tại đa số các bệnh viện hiện nay cũng đã sử dụng CNTT trong công tác quản lý bệnh viện. Khi bệnh nhân nhập viện, toàn bộ thông tin được lưu vào máy chủ và kết nối toàn khoa trong bệnh viện. Hai là phần mềm lưu trữ kết quả hình ảnh PACS (lưu trữ phim chụp, kết quả xét nghiệm, siêu âm...), sau khi chụp có kết quả sẽ gửi thẳng đến phòng mổ hoặc tới bác sĩ điều trị mà không cần in phim. Tiếp theo đó là phần mềm quản lý dược. Sau khi bệnh nhân được các bác sĩ kê đơn thuốc, thì tại khoa dược nhận được thông tin và chuẩn bị sẵn các loại thuốc, bệnh nhân có thể lấy được thuốc ngay mà không cần phải chờ đợi.
Bộ Y tế đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại một số bệnh viện. Đây là đề án rất có ý nghĩa, không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng CNTT, ứng dụng các công nghệ hiện đại mà còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Vì mỗi tấm phim thải ra sẽ tồn tại và gây độc hại cho môi trường hàng trăm năm.
Ứng dụng AI trong y tế
Theo các nhà nghiên cứu, AI và các công nghệ hiện đại là xu hướng phát triển trong ngành y. Trong phần thảo luận tại buổi tọa đàm “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế”, TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho biết: Trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT, số hóa nhiều hoạt động. AI có vùng áp dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân. Bao gồm: Theo dõi sức khỏe cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh, phát hiện sớm bệnh thời đại như ung thư, tim mạch, giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống, giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc, theo dõi diễn biến bệnh.
Việt Nam đã sử dụng AI trong y tế từ vài năm trước. Ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị 13 loại ung thư đã được vận hành tại một số bệnh viện và được đánh giá cao. Hiện tại, dù AI chưa được ứng dụng nhiều trong các bệnh viện, nhưng một số ứng dụng đã chứng minh là hỗ trợ rất nhiều trong công tác khám và điều trị bệnh.
AI trong hỗ trợ chẩn đoán: Một chẩn đoán thiếu chính xác là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chất lượng và an toàn trong chăm sóc sức khỏe. Công nghệ AI đã bước đầu được sử dụng để cải thiện chất lượng chẩn đoán, đặc biệt là trong phân tích hình ảnh. Phát triển thuật toán để đánh giá tức thì có thể giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian đang trong ca phẫu thuật có nguồn thông tin quan trọng, tiết kiệm thời gian đồng nghĩa với việc cứu thêm được nhiều mạng người.
Về vấn đề này, GS.TS. Đào Văn Long - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết: Trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, hiện nay đội ngũ thầy thuốc của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 5-10% nhu cầu. Đó mới chỉ là bác sĩ nội soi, còn làm sao để chẩn đoán đúng được tổn thương thì lại khó hơn rất nhiều và càng thiếu chuyên gia. Để giải quyết vấn đề này, một trong những khuynh hướng mà chúng tôi đang đi là áp dụng AI trong nội soi tiêu hóa. Với một tổn thương trong tiêu hóa, thay vì phải có chuyên gia giàu kinh nghiệm, thậm chí phải làm xét nghiệm tế bào để chẩn đoán... thì AI có thể báo cho thầy thuốc biết luôn tổn thương đó là ung thư hay chỉ là ổ loét, điều đó tạo điều kiện để bác sĩ quyết định sớm hướng điều trị.
Ứng dụng robot có thể giúp giảm khoảng 1/4 thời gian nằm viện của bệnh nhân. Các cuộc phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot còn được xem là “xâm lấn tối thiểu”, vì thế bệnh nhân không cần thời gian để bình phục các vết thương lớn. Robot còn cho phép các bác sĩ thực hiện nhiều quy trình phức tạp, với sự kiểm soát tốt hơn so với phương pháp thông thường. Tại Việt Nam, robot cũng có thể được sử dụng trong phẫu thuật với tư cách là trợ lý bác sĩ phẫu thuật.
Trong đại dịch COVID-19, AI được áp dụng khá rộng rãi. Điển hình như Zalo đưa ứng dụng AI xây dựng chatbot hỗ trợ tra cứu cơ sở điều trị COVID-19, tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên, gây quá tải trong khám sàng lọc.
Tại nước ta, một số nhà mạng như Viettel và FPT cũng đưa ứng dụng AI vào chatbot tự động thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực. Số người nhập viện cách ly, số người đang điều trị và đã hồi phục cũng được cập nhật liên tục.
Chatbot giúp người dân tiếp cận diễn biến dịch bệnh, chủ động trong việc phòng ngừa. Bên cạnh đó, AI còn được sử dụng trong các ứng dụng khác như Bluezone, NCOVI giúp phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc sớm và gửi tới cơ quan chức năng, giúp ngành y tế giám sát dịch bệnh và có phương án ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, một sản phẩm nghiên cứu khoa học về ứng dụng AI để sử dụng hình ảnh Xquang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19 tại Việt Nam đã ra đời, do Công ty VinBrain (Vingroup) và Cục CNTT - Bộ Y tế thực hiện. Nghiên cứu này nhằm tích hợp thêm chức năng hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh nhân phục vụ điều trị COVID-19.
Cũng trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon (Mỹ). Robot có tên Vibot-1a này có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... và hỗ trợ giao tiếp, khám chữa bệnh từ xa giữa bệnh nhân và nhân viên y tế...
Sau COVID-19, chắc chắn AI trong y tế sẽ tăng tốc, nhất là với những quốc gia đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin, việc áp dụng AI sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm này... Chính vì lẽ đó, cách mạng 4.0 và AI sẽ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu của nền y học hiện đại.