Hà Nội

Cách ly y tế với người nước ngoài tại Việt Nam diễn ra thế nào?

10-03-2020 12:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau ca nhiễm COVID-19 thứ 17 trên chuyến bay VN0054, đã có nhiều ca bệnh khác là người nước ngoài cùng đi trên chuyến bay này được phát hiện mắc bệnh và cách ly kịp thời. Một số bạn đọc là người nước ngoài có gửi băn khoăn đến Báo SK&ĐS hỏi về chế độ cách ly đối với người nước ngoài đang được áp dụng như thế nào để họ có thể yên tâm cách ly?

Theo Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch: Việc thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người nước ngoài được thực hiện như sau:

Đối với trường hợp người nước ngoài có thân nhân đi cùng: người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thông báo quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và thân nhân của họ. Đồng thời gửi văn bản thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;

Tại Việt Nam hiện có 10 người là hành khách nước ngoài cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam (ngày 2/3/2020) nhiễm COVID-19. Các bệnh nhân này mang quốc tịch Anh, Ireland, tất cả đang được cách ly và điều trị.

Đối với trường hợp người nước ngoài không có thân nhân đi cùng: Người đứng đầu cơ sở trực tiếp thực hiện biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế gửi thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Căn cứ các quy định của Nghị định này, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

4 biện pháp cách ly y tế

Cũng theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP, có 4 biện pháp cách ly y tế, gồm: cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế tại cơ sở y tế, cách ly y tế tại cửa khẩu và cách ly y tế tại các cơ sở.

Trong đó, việc cách ly y tế tại nhà sẽ thực hiện đối với trường hợp đang lưu trú tại vùng dịch, người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch, người tiếp xúc với người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.

Cách ly y tế tại cơ sở y tế đối với người đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm;

Cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

Và biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn

Về các chế độ, quản lý, kinh phí đối với người bị cách ly y tế, Thông tư 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định khá đầy đủ. Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly.

Phun thuốc khử khuẩn trên máy bay phòng chống bệnh COVID-19.

Đối với chế độ ăn uống, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ BHYT thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT.

Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Hà Nội: Đề xuất hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/người trong thời gian cách ly

Sở Y tế Hà Nội vừa có tờ trình khẩn gửi UBND TP. Hà Nội về việc hỗ trợ tiền ăn đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Đối với các trường hợp cơ sở cách ly y tế (không phải là nhà, nơi cư trú) đã bố trí cung cấp suất ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì không thu tiền của người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Tiền ăn đã thanh toán sẽ được ngân sách thành phố bố trí theo thực tế đã phát sinh, tối đa không quá 80.000đ/người/ngày.
Trong trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.

Trong thời gian từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trên cơ sở công văn đề nghị của Bộ Y tế, liên Sở: Y tế, Tài chính đề xuất UBND TP cho phép các cơ sở cách ly y tế cung cấp suất ăn miễn phí cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian cách ly, đối tượng được hưởng là người Việt Nam, người nước ngoài bị áp dụng cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại các cơ sở cách ly.
Nguồn kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Cơ sở được giao nhiệm vụ cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị cách ly. Trường hợp người bị áp dụng cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn riêng theo nhu cầu của mình nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị cung cấp thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm (nếu có).

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phạm Hiệp
Ý kiến của bạn