Cách ly và miễn dịch cộng đồng

BS. Ngô Đức Hùng

BS. Ngô Đức Hùng

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai

07-08-2021 09:30 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Hà Nội và các tỉnh phía nam đang thực hiện những ngày giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, bên cạnh đó tích cực tiêm phòng vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng tìm hiểu về cách ly và miễn dịch cộng đồng trong lịch sử.

Trải dài lịch sử hình thành loài người, bệnh tật là một phần của quá trình tiến hoá. Nó thể hiện sự đấu tranh không mệt mỏi của nhiều triệu năm giữa cơ thể vật chủ và những kẻ ăn bám. Theo nhiều giả thiết khác nhau, từ buổi sơ khai của sự sống đã tồn tại dạng vật chất di truyền đặc biệt chưa thể gọi là dạng sống hoàn toàn, đó là virus.

Virus chỉ có lớp vỏ bao bọc xung quanh đoạn mã gen di truyền, sống nhờ vào tế bào vật chủ. Khi lén lút bám được vào tế bào sống thích hợp, chúng sẽ bơm các mã gen di truyền vào trong rồi bắt các tế bào sản xuất các thành phần như một công xưởng. 

Cuối cùng lắp ráp ra những con virus hoàn chỉnh phá vỡ tế bào chui ra ngoài đi tấn công những tế bào tương tự khác. Quá trình này gọi là lây nhiễm.

Mỗi loài virus có cách xâm nhập vào cơ thể khác nhau, qua hơi thở, qua đường tiêu hóa, qua da hay qua đường máu. Chúng gây ra đủ loại bệnh tật khác nhau từ đầu đến ngón chân.

Cư dân mạng thường dùng từ "top to toe" để mô tả cho sự bao phủ của vấn đề nào đó, ngay cả trend, rất phù hợp để mô tả cách xâm nhập này.

Trong tự nhiên, bất cứ nơi nào có sự sống ở đó có tồn tại virus. Thống kê một cách không chính xác (vì thực tế không có cách nào chính xác ) trong tự nhiên có đến hàng triệu loài virus khác nhau.

Chúng chạy qua chạy lại giữa các tế bào và làm giàu nguồn gen cho các động vật đơn bào. Gián tiếp tham gia vào quá trình chọn lọc tự nhiên. Một số virus xâm nhập vào tế bào vật chủ rồi tích hợp bộ gen của chúng vào đó và theo vật chủ đến cuối đời.

SARS- COV - 2 chỉ là một chủng nhỏ bé nằm trong hàng triệu loài virus đang lang thang trong tự nhiên kia. Sau này khi đợt dịch bệnh qua đi, sẽ còn xuất hiện thêm chủng virus nào bùng lên tấn công loài người như dịch COVID nữa không ai biết trước được.

Trong lịch sử đã từng tồn tại nhiều dịch bệnh nổi tiếng ghi nhớ những giai đoạn đau thương cho loài người.

Vi khuẩn Yersinina pestis, thủ phạm gây ra nhiều đợt dịch hạch-cái chết đen ám ảnh cả lịch sử châu Âu thời trung cổ.

Thế kỷ thứ 6, đợt dịch Justinian lan khắp từ châu Á, châu Âu đến Bắc Phi làm chết 30-50 triệu người, tương đương 1 nửa dân số thể giới thời bấy giờ.

Mãi sau này, những năm cuối cùng thế kỷ 19, nhà khoa học Alexandre Yersin, vị hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Đông Dương (Đại học Y Hà Nội sau này) mới phát hiện và phân lập được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch này.

Khoa học luôn phát triển và đúc kết từ thực tế. Ngay từ khi chưa biết dịch hạch lây lan theo con đường nào và do cái gì gây ra, những thủy thủ trên các con tàu viễn dương nhận thấy, việc ở lại tàu 1 thời gian trước khi lên bờ đem lại hiệu quả giảm bớt lây lan dịch bệnh. Khái niệm "quarantine-cách ly" ra đời từ đó.

Rồi, bệnh dịch đầu tiên được ghi nhận do virus là Đậu mùa, Variola virus. Có thời điểm nó giết chết 90% dân số Mexico. Các dịch bệnh ấy kết thúc nhờ việc tìm ra vaccine.

Người Trung Quốc cổ đại đã biết lấy vảy nốt mụn Đậu mùa đeo vào cổ làm giảm bớt khả năng lây nhiễm. Do trong vảy nốt mụn mủ Đậu mùa có chứa virus bị giảm hoạt tính, giúp cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh sớm và sinh kháng thể. Đó là tiền đề của vaccine mà tại thời điểm ấy chưa ai giải thích được bằng khoa học thực sự mà đổ cho lý do thần bí nào đó

Đến nay bộ gen phức tạp nhất của loài người đã được giải mã. Trong khoảng gần 20 nghìn gen, giới khoa học bất ngờ tìm thấy có ít nhất 1% số gen đó có chứa mã di truyền từ Retrovirus, loại virus phiên mã ngược tích hợp gen của nó vào bộ gen người.

Biết đâu trong quá trình tiến hóa, nguồn gen tích hợp từ các giống virus đó sẽ góp phần tạo ra những giống loài mới, hay nhờ chọn lọc tự nhiên cải thiện ưu điểm sinh học cho các giống loài.

Với lợi thế số lượng gen ít, từ vài đến vài trăm, chúng đột biến nhanh hơn, chỉ vài tuần có thể tạo ra biến thể mới. Con virus cúm có mỗi 8 gen, biến đổi theo chu kỳ mỗi vài tháng cho ra những tổ hợp không biết đường nào mà lần.

Dịch H5N1 hoặc H1N1 năm nào gây mối kinh hoàng cho con người. Hay Rotavirus gây tiêu chảy cho trẻ bú mẹ cũng chỉ cần 11 đoạn gen mã hóa. Mỗi gen này đột biến đã sẵn sàng bổ sung cho tự nhiên thêm một chủng mới.

Miễn dịch cộng đồng sẽ xuất hiện khi chúng ta phải trả giá bằng nhiều mạng sống.

Đợt dịch Justinian kết thúc khi giết chết xấp xỉ 50% dân số thế giới. Chưa kể, sự nhân lên tự do của chất liệu di truyền với chu kỳ ngắn có vài ngày của hàng tỉ tỉ đơn vị vi sinh vật, đại điện là con SARS - CoV - 2 này đã sinh ra vô số đột biến gen.

Chọn lọc tự nhiên sẽ chọn ra những biến chủng nguy hiểm từ đó. Chúng ta đã đón nhận các biến chủng nguy hiểm từ Anh, từ Ấn Độ và theo dự báo sắp tới có thể biến chủng Indonexia…

Như vậy, muốn giảm nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới và giảm số lượng tử vong, chúng ta phải cắt đứt chuỗi lây truyền tự nhiên. Muốn vậy, việc cách ly vẫn là 1 trong những biện pháp tạm thời còn hữu hiệu cho đến bây giờ, xếp hàng sau Vaccine.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng
Ý kiến của bạn