Cách lựa chọn thực phẩm cho người nhiễm HIV

SKĐS - Dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS có những đặc thù riêng, nhằm giúp người bệnh duy trì và nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các triệu chứng của bệnh, cũng như phòng ngừa các biến chứng.

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng đặc trưng bởi tình trạng suy giảm miễn dịch và các biến chứng khác làm tăng tỷ lệ tử vong. Sự lây truyền HIV gây ra thách thức lớn trên thế giới và đặt ra một nhu cầu cấp bách cho các nước trong việc thực hiện các chương trình dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Các thuốc đang sử dụng cho người người nhiễm HIV chỉ nhằm kiểm soát sự nhân lên của HIV.

Cách lựa chọn thực phẩm cho người nhiễm HIV- Ảnh 1.

Người nhiễm HIV cần có chế độ dinh dưỡng tương đương với người lao động nặng.

Mối liên quan giữa HIV và suy dinh dưỡng

Người nhiễm HIV tăng nguy cơ suy dinh dưỡng vì nhiễm trùng làm tăng nhu cầu và giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngược lại, thiếu dinh dưỡng làm tăng sự nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội và tăng mức độ tiến triển sang AIDS.

Các bệnh nhiễm trùng liên quan (bệnh lao, tiêu chảy…) thường dẫn đến chán ăn, sụt cân và suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS.

Khi bị nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động mạnh hơn để chống lại nhiễm trùng. Điều này làm tăng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng. Vì vậy, người nhiễm HIV cần phải ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các vi chất dinh dưỡng này. Nhu cầu như vậy sẽ tăng cao hơn nữa khi các triệu chứng của HIV/AIDS phát triển.

Cách lựa chọn thực phẩm cho người nhiễm HIV- Ảnh 2.

Người nhiễm HIV nên ưu tiên sử dụng thực phẩm nguồn protein có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa...

Nhu cầu dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, tăng cường dinh dưỡng cho người nhiễm HIV sẽ làm tăng cường khả năng miễn dịch cho hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS, giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh hơn.

Nhu cầu năng lượng của người nhiễm HIV tăng từ 10% đến 30% so với người lao động bình thường, do vậy chế độ ăn của người nhiễm HIV hàng ngày phải đảm bảo năng lượng tương đương với người lao động nặng.

Chế độ ăn cho người nhiễm HIV là chế độ ăn giàu năng lượng, giàu protein, giàu acid béo omega - 3, giàu vitamin và khoáng chất.

Người nhiễm HIV cần ăn nhiều thức ăn hơn, ăn nhiều khẩu phần hơn và/hoặc ăn nhiều bữa hơn, sử dụng đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng.

Một số gợi ý khi lựa chọn thực phẩm ở người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV nên:

- Ưu tiên lựa chọn thực phẩm nguồn protein có giá trị sinh học cao: Thịt, cá, trứng, sữa...

- Nên lựa chọn thực phẩm giàu acid béo omega - 3 như: Cá (đặc biệt cá hồi), dầu cá...

- Tăng cường ăn các loại rau quả có nhiều vitamin C như các loại rau lá, quả chín.

- Tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn bằng cách sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng như chất béo. Tăng dần hàm lượng chất béo trong thực phẩm bằng cách sử dụng nhiều chất béo và dầu hơn, cũng như ăn các loại thực phẩm béo - hạt có dầu như đậu phộng, đậu nành và vừng, bơ và thịt mỡ.

Cách lựa chọn thực phẩm cho người nhiễm HIV- Ảnh 4.

Người nhiễm HIV tránh ăn trứng sống.

Nếu gặp vấn đề với lượng chất béo cao (đặc biệt là tiêu chảy), hãy giảm lượng chất béo cho đến khi các triệu chứng biến mất và sau đó tăng dần đến mức cơ thể có thể dung nạp.

Ngoài ra, HIV tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại các bệnh nhiễm trùng hơn, trong đó có nhiễm trùng đường tiêu hóa (bệnh tiêu chảy). Vì vậy, tình trạng nhiễm trùng ở người nhiễm HIV có khả năng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn so với những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm

Để tránh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và nhiễm trùng đường tiêu hóa, người nhiễm HIV cũng phải chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (rau sống, trứng sống và hải sản sống hoặc chưa nấu chín, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng…).

Cần rửa tay, dụng cụ nấu ăn và mặt bàn bếp thường xuyên khi chế biến thực phẩm. Tách riêng thực phẩm để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.

Cần bảo quản làm lạnh hoặc đông lạnh thịt, thịt gia cầm, trứng, hải sản hoặc các thực phẩm khác có khả năng bị hỏng sau khi nấu hoặc mua nếu chưa sử dụng ngay.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.


TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng quốc gia
Ý kiến của bạn