1. Nguyên nhân gây ra quầng thâm dưới mắt?
Quầng thâm dưới mắt (còn gọi là tăng sắc tố quanh mắt) khá phổ biến và thường vô hại. Quầng thâm thường có hình nửa vầng trăng dọc theo vùng da bên dưới mắt với các màu nâu, xanh, tím hoặc đen tùy thuộc vào màu da.
Có nhiều nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt: Di truyền, lão hóa, dị ứng, thiếu ngủ, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, một số bệnh lý…
2. Các biện pháp loại bỏ quầng thâm mắt không kê đơn
- Kem bôi mắt không kê đơn: Có thể lựa chọn kem bôi mắt không kê đơn OTC để chống lại quầng thâm mắt chứa các thành phần:
+ Caffein: Giúp giảm sưng tấy khi bôi lên da, rất hữu ích trong việc điều trị quầng thâm do viêm gây ra.
+ Retinol: Một dẫn xuất của vitamin A, có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng collagen, giảm sắc tố da, giúp vùng da dưới mắt mịn màng và giảm quầng thâm.
+ Vitamin K: Giúp tăng cường tuần hoàn, cải thiện độ đàn hồi của da và có thể làm sáng các vùng da tối màu.
+ Vitamin C: Thúc đẩy sản xuất collagen và cũng có thể giúp làm sáng da để giúp che giấu quầng thâm.
Lưu ý, kem bôi mắt OTC không phải là giải pháp khắc phục ngay lập tức quầng thâm dưới mắt. Nên sử dụng các loại kem bôi mắt trong ít nhất 30 ngày để đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, khi bôi kem không để dính vào mắt, tránh bị kích ứng hoặc gây bỏng.
- Sử dụng túi trà giúp giảm quầng thâm: Có thể dùng túi trà xanh hoặc đen (dạng túi lọc) để nguội đặt bên dưới mắt để giúp giảm viêm và kích thích lưu thông máu.
- Tránh ánh nắng mặt trời: Nếu nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt là do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hãy lưu ý đến việc chống nắng. Tia UV từ mặt trời có thể dẫn đến nám da (da sậm màu hoặc đổi màu) và góp phần làm xuất hiện quầng thâm.
Để tránh tổn thương thêm do ánh nắng mặt trời ở vùng mắt nên bôi kem chống nắng, đeo kính râm và đội mũ khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
3. Phương pháp điều trị quầng thâm dưới mắt
Nếu áp dụng các biện pháp tại nhà mà quầng thâm dưới mắt không cải thiện, cần thăm khám tại cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị cụ thể.
- Thuốc bôi kê đơn: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra quầng thâm, có thể dùng các thuốc bôi kê đơn có hoạt chất mạnh hơn. Với quầng thâm phát triển do tăng sắc tố (sản xuất quá nhiều melanin trên da) có thể sử dụng hydroquinone, axit kojic, axit azelaic hoặc retinoid theo đơn.
Lưu ý, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh tác dụng phụ hoặc rủi ro nếu sử dụng quá mức hoặc không đúng cách.
- Chất làm đầy: Được biết đến với tác dụng làm đầy và căng mọng, chất làm đầy da dạng tiêm axit hyaluronic có thể được sử dụng để giúp làm mịn vùng dưới mắt. Từ đó, có thể làm cho vết thâm do cơ vòng mắt dưới da và các mạch máu ít lộ hơn.
Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này có thể gây chảy máu, bầm tím, kích ứng da...
- Liệu pháp laser: Liệu pháp laser hoạt động bằng cách tập trung nhiệt có kiểm soát vào vùng da bị đổi màu, đồng thời khuyến khích sự phát triển của tế bào da mới. Nhờ đó, vùng da dưới mắt sáng hơn, có thể tái tạo da và giảm các nếp nhăn và giảm quầng thâm.
Tùy thuộc vào loại laser được sử dụng, có thể có một số tác dụng phụ nhẹ như đỏ, sưng, ngứa…
- Lột da hóa học: Lột da bằng hóa học (peel da hóa học) có thể giúp làm sáng các sắc tố không mong muốn bên dưới mắt. Lột da hóa học sử dụng các dung dịch chứa axit glycolic, axit alpha hydroxy hoặc axit lactic đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện tình trạng sạm đen ở vùng da này. Lột da bằng hóa học có thể loại bỏ các lớp da một cách an toàn bằng dung dịch hóa học, đồng thời mang lại hiệu quả làm mịn và sáng tổng thể.
Lột da bằng hóa học thường an toàn và hiệu quả, có thể gây ra một số khó chịu nhẹ trong những ngày sau thực hiện quy trình. Sau khi thực hiện cần áp dụng một số cách chăm sóc da để giúp tránh tăng sắc tố hoặc sẹo.
- Phẫu thuật thẩm mỹ: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây quầng thâm dưới mắt mà có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị. Các phương pháp thường được lựa chọn như cấy mỡ, phẫu thuật tạo hình mí mắt.
Ngoài ra, có thể sử dụng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để làm sáng quầng thâm dưới mắt do lão hóa. PRP đang được sử dụng để điều trị rụng tóc, tái tạo khớp và điều trị chống lão hóa tổng thể cho khuôn mặt. Thủ thuật này có thể gây đau, bầm tím, sưng và nhiễm trùng.
4. Có thể ngăn ngừa quầng thâm dưới mắt không?
Có thể giúp giảm nguy cơ phát triển quầng thâm dưới mắt bằng một số thói quen dưới đây:
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày giúp ngăn ngừa tổn thương da và giảm dấu hiệu lão hóa quanh mắt.
- Thoa kem mắt vào buổi sáng và buổi tối để giữ ẩm cho vùng da mỏng manh dưới mắt
- Ngủ đủ giấc để giúp làn da tự phục hồi và tái tạo.
- Bỏ thuốc lá để tránh nếp nhăn sớm và lão hóa da.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối và uống nhiều nước để giảm tình trạng tích nước.
- Massage mặt nhẹ nhàng để cải thiện độ đàn hồi và lưu thông ở vùng dưới mắt.
Nếu sự xuất hiện của quầng thâm đi kèm với các triệu chứng như kích ứng, đau, sưng tấy hoặc tắc nghẽn, cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đánh bay quầng thâm mắt tại nhà bằng 5 cách đơn giản