Mặt nạ tóc là gì?
Trên thực tế, dầu gội làm sạch tóc bằng cách loại bỏ tạp chất, đồng thời mang lại một số lợi ích như cấp ẩm, dinh dưỡng… Dầu xả làm tăng thêm lợi ích của dầu gội, giúp tóc suôn mượt hơn. Tuy nhiên, hai sản phẩm này không có tác dụng mạnh như mặt nạ tóc.
Về cơ bản, mặt nạ tóc giống như một loại dầu xả nhưng có tác dụng sâu hơn do thẩm thấu vào sợi tóc nhiều hơn. Mặt nạ tóc có tác dụng chăm sóc, nuôi dưỡng và giữ ẩm lâu dài, đồng thời giúp tái cấu trúc sợi tóc và ngăn ngừa tóc bị hư tổn. Tuy nhiên, mặt nạ tóc không nhằm mục đích sử dụng hàng ngày mà là để bổ sung cho dầu gội và dầu xả.
Tùy theo tính chất tóc mà tần suất sử dụng mặt nạ tóc sẽ không giống nhau. Do đó, mặt nạ được sử dụng mỗi tuần một lần cho tóc hư tổn, nhạy cảm, dễ gãy, khô, mất nước. Tuy nhiên, đối với các loại tóc khác, chỉ cần sử dụng hai tuần một lần là đủ.
Dưới đây là các tình huống nên sử dụng mặt nạ tóc:
- Tóc yếu và dễ gãy: Một trong những cách để nhận biết tóc có bị hư tổn hay không là kiểm tra tóc có dễ gãy hay không. Lấy một hoặc hai sợi tóc sau đó kéo nhẹ. Khi tóc bị hư tổn, lớp ngoài của thân tóc không còn chắc khỏe dẫn đến đứt gãy, rụng. Mặt nạ tóc có thể khôi phục lại sức sống cho lớp này.
- Tóc dài: Khi có mái tóc dài, bạn sẽ phải dành thời gian chăm sóc nhiều hơn, đặc biệt nếu tóc dài đến thắt lưng. Với mái tóc dài, không cần phải đợi đến khi tóc hư tổn mới bắt đầu sử dụng mặt nạ tóc. Sử dụng thường xuyên sẽ giữ tóc dài chắc khỏe và óng ả.
- Tóc nhuộm: Nhuộm màu chắc chắn sẽ làm thay đổi thành phần hóa học của tóc, dẫn đến hư tổn. Vì vậy cần phải bảo vệ và giữ màu cũng như sức khỏe cho mái tóc của mình.
- Da đầu bị khô: Mặt nạ tóc không chỉ dành cho tóc. Sức khỏe của da đầu góp phần tạo nên sức khỏe cho mái tóc, đó là lý do tại sao chúng ta phải chăm sóc cả cho da đầu. Nhiều mặt nạ tóc chăm sóc cho cả tóc và da đầu.
Cách sử dụng mặt nạ tóc
Trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm mặt nạ tóc. Mặc dù có nhiều công thức nhưng phải luôn đảm bảo các thành phần có trong sản phẩm an toàn, chất lượng và phù hợp để tốt cho cả tóc và da đầu.
Dưới đây là các bước thực hiện để sử dụng mặt nạ tóc:
- Gội đầu: Đây là bước đầu tiên cần làm vì tóc phải sạch để sẵn sàng hấp thụ các thành phần chính của mặt nạ.
- Lau tóc bằng khăn sợi nhỏ: Lau khô tóc với một chiếc khăn sợi nhỏ, để nhanh chóng hút nước trên tóc mà không làm tóc bị tổn thương do cọ xát. Để có kết quả tốt nhất, hãy thoa mặt nạ lên tóc ẩm, không quá khô hoặc ướt để giúp các thành phần thấm vào sợi tóc.
- Bôi mặt nạ lên tóc: Chỉ tập trung vào phần giữa và ngọn tóc, massage nhẹ nhàng sản phẩm theo chuyển động hướng xuống trong 30 giây để sản phẩm thẩm thấu và phủ lên lớp biểu bì, tăng thêm độ mềm mại và bóng mượt.
- Quấn tóc bằng khăn ấm: Quấn tóc đã đắp mặt nạ vào khăn ấm để đạt được hiệu quả tối đa, vì giúp các thành phần thấm sâu hơn. Đợi khoảng 8 đến 10 phút là đủ để mặt nạ phát huy tác dụng.
- Xả kỹ: Sau khi đắp mặt nạ, cần xả tóc thật kỹ để không làm nặng tóc và nhờn.
Cách tự làm mặt nạ tóc từ nguyên liệu tự nhiên
Sử dụng một loại mặt nạ tóc tốt, phù hợp bạn sẽ thấy mái tóc của mình phục hồi sức sống ngay cả khi đã hư tổn nặng. Bạn có thể tự làm mặt nạ tóc tại nhà từ những nguyên liệu tự nhiên an toàn nhưng vẫn mang lại hiệu quả.
- Mặt nạ dành cho tóc khô: Một số loại dầu, thực phẩm và các thành phần khác có thể mang lại nhiều lợi ích cho tóc khô. Ngoài dầu dừa và mật ong thiết yếu, dầu argan còn rất giàu vitamin E, axit béo thiết yếu và chất chống oxy hóa, giúp dưỡng ẩm và nuôi dưỡng tóc. Nếu bạn có mái tóc hư tổn và/hoặc khô thì mặt nạ này rất lý tưởng.
Công thức: 2 muỗng canh dầu dừa, 2 thìa mật ong, 1 muỗng canh dầu argan. Trộn đều rồi bôi lên tóc.
- Mặt nạ cho tóc xoăn: Đối với những lọn tóc xoăn tự nhiên cần bổ sung dưỡng chất, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu như bơ, mật ong và dầu ô liu hoặc dầu dừa, không chỉ dưỡng ẩm mà còn giúp gỡ rối cho tóc.
Công thức: 1 quả bơ, 2 thìa dầu dừa hoặc dầu ô liu, 1 thìa mật ong. Trộn đều rồi bôi lên tóc.
- Mặt nạ dành cho tóc hư tổn: Mặt nạ tự làm với dầu ô liu và dầu dừa sẽ giúp phục hồi mái tóc hư tổn. Dầu ô liu là loại dầu nuôi dưỡng và tăng cường sức khỏe, chứa vitamin E và axit béo omega 3, giúp tóc mềm và bóng hơn, đồng thời giảm gãy rụng, chẻ ngọn. Dầu dừa chứa axit béo và vitamin E giúp dưỡng ẩm, nuôi dưỡng và giảm mất protein. Kết hợp với nhau, 2 thành phần này sẽ phục hồi mái tóc.
Công thức: 2 thìa dầu ô liu, 1 thìa dầu dừa. Trộn đều rồi bôi lên tóc.
- Mặt nạ dành cho tóc dầu:
+ Giấm táo và nước cốt chanh: Sự kết hợp này giúp cân bằng độ pH cho tóc, đồng thời kiểm soát lượng dầu dư thừa và cân bằng việc sản xuất bã nhờn. Vắt nước của một quả chanh và trộn với ¼ cốc giấm táo. Thoa dung dịch lên tóc trong 15 phút và xả sạch bằng nước lạnh.
+ Lòng trắng trứng và chanh: Vitamin C trong nước chanh kiểm soát lượng dầu dư thừa, trong khi lòng trắng trứng có thể cân bằng độ ẩm trên da đầu và ngăn phần tóc còn lại bị khô quá nhiều. Trộn lòng trắng trứng với nước cốt chanh rồi thoa lên tóc, để trong 30 phút. Sau đó xả sạch tóc bằng nước lạnh.
+Mật ong và chuối: Sự kết hợp này sẽ giúp nuôi dưỡng sâu tóc và kiểm soát dầu trên tóc và da đầu hiệu quả với các khoáng chất, vitamin của chuối và đặc tính chống oxy hóa phong phú của mật ong. Xay một quả chuối chín thành hỗn hợp sệt rồi trộn với mật ong theo tỷ lệ 4: 1. Thoa lên tóc, massage đến tận chân tóc. Để trong 20 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Lý do khiến tóc rụng?