Cách làm gối thuốc chữa bệnh thoái hóa cột sống cổ

SKĐS - Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý xương khớp phổ biến không thể tránh khỏi do tuổi tác. Tuy nhiên, tính chất công việc ngồi nhiều, ít vận động, nằm lâu một tư thế, chấn thương, thừa cân béo phì… cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng này.

1. Dấu hiệu của thoái hóa cột sống cổ

Người bệnh cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển. Sau một thời gian xuất hiện đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy...

Nếu để lâu ngày, người bệnh xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ, kèm theo các triệu chứng đau nhức tê mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay...

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây ra một số biến chứng như chóng mặt, đau đầu, suy nhược thần kinh, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, mệt mỏi mạn tính, giảm trí nhớ hay quên

photo-1691925890673

Phần vị trí xương bị thay đổi là vị trí bị thoái hoá.

2. Cách sử dụng gối thuốc chữa bệnh

2.1 Chữa thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, vẹo cổ

- Thành phần: Đương quy, khương hoạt, cảo bản, xuyên ô chế, hắc phụ phiến, xuyên khung, xích thược, hồng hoa, địa long, huyết kiệt, xương bồ, đăng tâm, tế tân, quế chi, đan sâm, phòng phong, lai phục tử, uy linh tiên, mỗi thứ 300g. Nhũ hương và một dược mỗi thứ 200g, băng phiến 20g.

- Cách làm: Trừ băng phiến, các vị thuốc đem sấy khô tán nhỏ, rồi nhồi cùng băng phiến làm ruột gối. Mỗi ngày gối đầu từ 6 giờ trở lên, 3 tháng là 1 liệu trình.

- Công dụng: Hoạt huyết tán ứ, thông kinh chỉ thống, chuyên dùng để chữa bệnh lý cột sống cổ như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, vẹo cổ...

2.2 Chữa bệnh đau đầu, mất ngủ do thoái hóa cột sống cổ

- Thành phần: Cúc hoa, bạc hà, tang diệp, vỏ đậu xanh, lượng vừa đủ,

- Cách làm: Dược liệu sấy khô tán vụn, nhồi làm ruột gối, gối đầu ít nhất 8 giờ mỗi ngày, 1 tháng là 1 liệu trình.

- Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, chỉ thống, chữa chứng đau đầu mất ngủ.

photo-1691925892056

Gối thuốc cần sử dụng kiên trì, liên tục trong 3-4 tuần.

2.3 Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên

- Thành phần: Cúc hoa 1000g, xuyên khung 400g, đan bì 200g, bạch chỉ 200g.

- Cách làm: Tất cả sấy khô, tán nhỏ, nhồi làm ruột gối.

- Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt, hoạt huyết an thần, trị bệnh mất ngủ.

Hoặc dùng vật liệu sau: Quy bản, long cốt, viễn trí, xương bồ, lượng vừa đủ, sấy khô tán nhỏ, nhồi làm ruột gối.

Công dụng: Dưỡng âm an thần, hỗ trợ giấc ngủ, giúp ngủ ngon.

3. Những điều cần lưu ý

Trong giấc ngủ, nếu quen nằm ngửa, nên dàn thuốc trong gối từ giữa ra xung quanh, để một ít thuốc đệm dưới gáy. Như vậy, có thể mở rộng diện tiếp xúc của phần đầu với gối, giữ được độ cong sinh lý tự nhiên của đốt sống cổ.

Nếu quen nằm nghiêng, nên dồn thuốc trong gối vào phần trống giữa má và vai. Như vậy, có thể giữ được trạng thái sinh lý tự nhiên của cổ, đồng thời tránh cho phần cổ bị lộ ra, giữ ấm cho cổ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù nằm ngửa hay nằm nghiêng, nếu cả phần đầu và cổ đều được đệm gối thỏa đáng, sẽ tạo ra lực kéo giãn giữa phần đầu và thân người, giống như nguyên lý "kéo giãn đốt sống cổ" trong phục hồi chức năng.

Mời bạn xem thêm video:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà

ThS.Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn