Điều gì xảy ra nếu lượng đường huyết tăng lên?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, mục tiêu lượng đường trong máu (đường huyết) của bạn có thể khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và các vấn đề sức khỏe khác.
Mục tiêu lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường không mang thai là:
- Glucose máu đói: 70- 130 mg/dL
- Đường huyết sau ăn 1-2: Dưới 180 mg/dL.
- Đường huyết lúc đi ngủ: 110-150 mg/dL.
TS. Tushar Tayal, chuyên gia nội khoa tại Mỹ cho biết, nếu đường huyết cao không được kiểm soát có thể khiến ceton tích tụ trong máu và nước tiểu, dẫn đến tình trạng gọi là nhiễm toan ceton. Một số triệu chứng bao gồm khô miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, nhìn mờ, lú lẫn, mất ý thức.
Quản lý lượng đường huyết trong mùa đông, đặc biệt với người bệnh đái tháo đường rất quan trọng do tăng đường huyết có thể gây ra các biến chứng lâu dài như:
- Bệnh tim
- Tổn thương mạch máu
- Tổn thương thần kinh
- Tổn thương thận
- Tổn thương võng mạc
- Tổn thương xương khớp...
Tại sao lượng đường trong máu tăng vào mùa đông?
Có một số lý do khiến lượng đường trong máu có thể tăng khi nhiệt độ giảm:
- Giảm hoạt động: Trong mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, khí hậu lạnh khiến hầu hết mọi người có xu hướng giảm hoạt động, bao gồm cả hoạt động thể chất và dành nhiều thời gian ở trong nhà. Điều này dẫn đến nhu cầu glucose thấp hơn và có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên.
- Thay đổi nội tiết tố: Thời tiết lạnh gây ra sự giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Những hormone này có tác dụng chống điều hòa insulin, nghĩa là chúng làm giảm khả năng hấp thụ glucose từ máu của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết, đặc biệt ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
- Tăng lượng calo nạp vào: Trong mùa đông, mọi người thường thèm những món ăn ngon và thường chứa nhiều carbohydrate. Mặc dù carbohydrate cung cấp năng lượng nhưng chúng cũng có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và dẫn đến mất kiểm soát.
- Bệnh tật: Mùa đông là mùa của cảm lạnh, cúm và các bệnh liên quan khác. Khi con người bị bệnh, cơ thể giải phóng các hormone gây viêm, có thể cản trở việc sản xuất insulin và hấp thu glucose. Điều này có thể khiến việc quản lý lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.
Làm thế nào để kiểm soát lượng đường trong máu vào mùa đông?
Nếu bạn là người mắc bệnh đái tháo đường, có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để kiểm soát lượng đường máu trong mùa đông:
- Giữ ấm cơ thể: Thay đổi nhiệt độ môi trường có thể ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu. Tiếp xúc với thời tiết quá lạnh sẽ khiến cơ thể giải phóng các hormone gây căng thẳng, làm tăng lượng đường.
Vì vậy, hãy giữ ấm cơ thể bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, ngâm chân nước nóng, uống nước gừng nóng, duy trì tập thể dục trong nhà…
- Quản lý căng thẳng: Mùa đông có liên quan đến nguy cơ lo lắng và trầm cảm cao hơn do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gián đoạn nhịp sinh học, hạn chế tập thể dục… dẫn đến khả khả năng tự chăm sóc bản thân kém và lượng đường trong máu thất thường.
Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể thực hiện các bài tập thở, thiền hay yoga thường xuyên nhằm giữ cho tinh thần luôn tràn đầy năng lượng và gắn kết với các hoạt động xã hội. Từ đó giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
- Duy trì dinh dưỡng lành mạnh: Mùa đông thường khiến chúng ta có xu hướng ăn nhiều thực phẩm hơn, đặc biệt là thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế như đường hay thực phẩm giàu chất béo.
Tuy nhiên, bạn cần duy trì chế độ ăn uống với dinh dưỡng lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường ăn rau, súp rau, các loại hạt…
- Tập thể dục thường xuyên: Thời tiết lạnh trong mùa đông khiến bạn lười tập thể dục. Bạn có thể thay đổi hình thức tập luyện để duy trì hoạt động thể chất thường xuyên do đây là biện pháp hiệu quả để quản lý đường huyết. Hoặc có thể thực hiện các hoạt động thể chất trong nhà như yoga hoặc zumba, dance sport, gym… Cần lưu ý không tập thể dục khi bụng đói vì có thể gây hạ đường huyết.
- Uống đủ nước: Mặc dù mùa đông lạnh không khiến cơ thể mất nước qua mồ hôi và hiếm khi có cảm giác khát nhưng bạn cần cố gắng đặt mục tiêu uống đủ nước, tức là khoảng 1,5-2l nước/ngày nhưng tránh uống quá nhiều trà và cà phê.
- Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn nếu bạn bị đái tháo đường. Bằng cách này, bạn có thể điều chỉnh insulin và chế độ ăn uống nếu cần thiết, đặc biệt trong mùa đông, giai đoạn khí hậu có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe nói chung.
Mời bạn xem tiếp video:
Cách kiểm soát đường huyết cho người không mắc tiểu đường | SKĐS