Cách kiểm soát bệnh hen suyễn hiệu quả

26-02-2021 09:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hen hay còn gọi là suyễn là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp.

Khi đường thở bị viêm, nó trở nên sưng phù và dễ bị co thắt khi gặp chất kích thích (dị nguyên - chất gây ra tình trạng dị ứng) làm cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho, nặng ngực, khò khè và khó thở. Bệnh hen xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột, mưa, ẩm ướt, bệnh hay xuất hiện. Vậy người mắc hen cần làm gì để kiểm soát tốt căn bệnh này nhất là thời tiết lạnh giá và thay đổi đột ngột như hiện nay.

Hen là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp.

Hen là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp.

Biểu hiện của bệnh

Những triệu chứng của hen xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào hoạt động và hoàn cảnh. Triệu chứng điển hình nhất của hen là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, nóng, lạnh đột ngột, ẩm ướt. Ho thường xuất hiện cả ngày lẫn ban đêm nhưng ban đêm thường xảy ra nặng hơn, dồn dập hơn. Ho thường là ho khan, ho từng tiếng một. Thông thường, bệnh nhân hen có kèm theo viêm đường hô hấp trên (viêm mũi dị ứng, viêm họng), cho nên ho của bệnh hen rất dễ nhầm với ho do mắc các bệnh hô hấp khác. Tuy vậy, có một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.

Đi đôi với ho là triệu chứng khò khè do co thắt phế quản. Tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Khò khè xảy ra cả ban ngày, cả ban đêm nhưng ban đêm thường diễn biến nặng hơn, dồn dập hơn, đặc biệt là mưa nhiều, lạnh, ẩm ướt, gió mùa Đông Bắc tràn về. Khi thấy cơn hen xuất hiện cần cảnh giác với cơn hen ác tính, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng

Tăng xuất tiết cũng thường gặp ở người hen cho nên có rất nhiều đờm. Người bệnh luôn cảm thấy nặng ngực (cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt) và khó thở (khó thở ra) do phế quản bị co thắt. Khó thở thường hay bị tái phát nhiều lần.

Trong trường hợp bị bội nhiễm đường hô hấp, có thể có sốt, vì vậy, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí nguy kịch hơn, đặc biệt là người cao tuổi sức yếu.

Cần kiểm soát tốt bệnh

Bệnh hen có thể được chữa khỏi hoàn toàn không? Đây không chỉ là sự quan tâm của những người bị bệnh hen mà cả của gia đình họ. Cần khẳng định ngay từ đầu: Bệnh hen không chữa khỏi hoàn toàn được.  Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và y học, sự ra đời của các loại thuốc điều trị dự phòng dạng hít hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, bệnh hen phế quản tuy không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được và vẫn sống một cuộc sống bình thường.

Bệnh nhân hen phế quản dùng thuốc điều trị đầy đủ, tránh được các yếu tố kích phát gây cơn hen thì họ có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường. Khi biết mình bị hen phế quản, bạn cần hết sức thận trọng, vì cơn hen (cơn khó thở hoặc ho cơn kéo dài) có thể xuất hiện bất cứ khi nào, đặc biệt khi bạn tiếp xúc với các dị nguyên gây ra các cơn hen. Các dị nguyên thường gây các cơn hen phế quản được nhắc đến nhiều bao gồm: phấn hoa; lông hoặc chất thải của vật nuôi trong nhà: chó, mèo; khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp than; bụi nhà, gián; thuốc xịt, thuốc hoa có mùi hắc; nấm mốc; thức ăn lạ: hải sản,... thuốc: aspirin.

Ngoài ra, luôn giữ cho không khí trong nhà luôn sạch sẽ. Luôn giữ cho nhà cửa khô, thoáng, như vậy sẽ loại bỏ được nấm mốc. Không nuôi chó, mèo hoặc gia súc trong nhà. Tránh ăn những thức ăn lạ như hải sản hoặc những thức ăn mà bạn đã từng bị dị ứng hoặc lên cơn khó thở.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mùa lạnh, người bị hen cần hết sức cảnh giác đề phòng cơn hen ác tính xảy ra. Vì vậy, cần dùng thuốc thường xuyên theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho mình, đặc biệt là thuốc xịt họng cắt cơn hen và phòng cơn hen. Với người cao tuổi  bị hen, các loại thuốc này thường xuyên phải có ở ngay bên mình (ngay đầu giường nằm hoặc trong túi xách, cặp khi ra khỏi nhà). Tuy nhiên, dùng loại thuốc nào có lợi cho người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc điều trị cho người nhà của mình. Khi bệnh hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ, khoảng từ 1-3 tháng/1 lần. Tuy vậy, khi người bệnh không đáp ứng được thuốc giãn phế quản, khó thở tăng lên, bệnh diễn biến nặng lên cần đi bệnh viện ngay.


BS. Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn