1. Tóc chẻ ngọn do đâu?
Tóc chẻ ngọn thường xảy ra khi các đầu sợi tóc bị mất nước và hư hại do quá trình chăm sóc tóc hoặc các điều kiện ngoại cảnh tác động, sau đó sẽ làm tóc dần yếu đi đến mức bị đứt gãy. Tóc chẻ ngọn có thể khiến tóc trông xơ xác và khiến rụng tóc nhiều.
Nguyên nhân gây tóc chẻ ngọn có thể do:
- Thiếu độ ẩm: Khi tóc không được cung cấp đủ độ ẩm, lớp biểu bì bảo vệ bên ngoài sẽ mất đi sự liên kết chặt chẽ, làm cho tóc trở nên yếu ớt và dễ gãy. Điều này thường xảy ra khi thời tiết khô hanh hoặc do thói quen sử dụng các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất tẩy mạnh, khiến tóc bị mất đi lượng dầu tự nhiên.
- Tác động nhiệt và hóa chất: Sử dụng thường xuyên các dụng cụ tạo kiểu tóc như máy sấy, máy duỗi và máy uốn có thể làm lớp biểu bì bên ngoài bị tổn thương, dẫn đến tóc dễ bị chẻ ngọn. Ngoài ra, việc nhuộm tóc, tẩy tóc hoặc sử dụng các sản phẩm hóa chất không phù hợp cũng làm suy yếu cấu trúc tóc từ bên trong.
- Thói quen chăm sóc tóc không đúng cách: Chải tóc quá mạnh hoặc sử dụng lược có răng sắc nhọn, sẽ tạo lực kéo lớn lên sợi tóc, làm tóc bị đứt và dễ gãy. Cắt tỉa tóc không thường xuyên cũng khiến các ngọn tóc cũ bị yếu và chẻ ra theo thời gian.
- Yếu tố môi trường: Ánh nắng mặt trời, gió mạnh hoặc ô nhiễm không khí có thể làm tóc mất nước và tổn thương lớp biểu bì. Thói quen không bảo vệ tóc khi ra ngoài trời càng làm tình trạng chẻ ngọn thêm nghiêm trọng.
2. Cách chăm sóc hạn chế tóc chẻ ngọn
Để loại bỏ phần tóc chẻ ngọn, cách duy nhất mà chúng ta có thể làm là cắt tỉa phần đuôi tóc đã bị hư tổn. Ngoài ra, việc thay đổi, điều chỉnh một số thói quen trong cuộc sống cũng có thể giúp tóc chắc khỏe hơn, góp phần hạn chế tóc chẻ ngọn cũng như nhiều tình trạng hư tổn khác:
- Chăm sóc tóc đúng cách với các loại dầu gội an toàn, không chứa các thành phần độc hại hay kích ứng da đầu. Không nên gội đầu quá thường xuyên, thay vào đó, bạn nên duy trì tần suất gội đầu cách ngày để đảm bảo không làm mất lớp dầu tự nhiên của da đầu.
Tránh gội đầu bằng nước quá nóng vì sẽ khiến lớp biểu bì tóc bị phồng lên, làm tóc dễ bị bong ra. Tốt nhất nên sử dụng nước ấm hoặc nước lạnh (nhiệt độ phòng) để làm sạch da đầu; không gãi, chà sát mạnh khi gội đầu.
- Cung cấp độ ẩm cho tóc bằng các sản phẩm như dầu xả, dầu dưỡng hoặc mặt nạ ủ tóc chứa các thành phần tự nhiên như dầu dừa, bơ hạt mỡ, nha đam... Những sản phẩm này giúp bổ sung độ ẩm và bảo vệ lớp biểu bì khỏi tác động từ môi trường.
- Sử dụng lược răng thưa, chải tóc nhẹ nhàng để tránh làm đứt gãy sợi tóc. Việc cắt tỉa tóc định kỳ mỗi 6-8 tuần cũng giúp loại bỏ các ngọn tóc yếu và kích thích tóc mọc khỏe hơn.
- Hạn chế sử dụng nhiệt và hóa chất: Để tóc khô tự nhiên hoặc sử dụng máy sấy ở chế độ nhiệt thấp. Nếu cần tạo kiểu, hãy sử dụng các sản phẩm bảo vệ nhiệt trước khi sử dụng các dụng cụ như máy duỗi hoặc máy uốn. Ngoài ra, cần lưu ý tạo khoảng nghỉ cho tóc giữa các lần sử dụng hóa chất uốn, nhuộm, tẩy...
- Bảo vệ tóc khỏi tác động môi trường: Khi ra ngoài trời, nên đội mũ hoặc sử dụng khăn choàng để che chắn tóc khỏi ánh nắng và gió mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm chống tia UV cho tóc cũng là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ tóc khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
- Bổ sung chế độ ăn lành mạnh giàu protein, sắt và các chất dinh dưỡng khác sẽ giúp cho tóc thêm khỏe mạnh. Tóc sẽ phát triển tốt ngay từ bên trong, giảm gãy rụng tóc và giúp da đầu khỏe mạnh. Về cơ bản, các sợi tóc được tạo thành từ protein, vì vậy nếu bạn không cung cấp đủ protein thì tóc của bạn sẽ dễ bị khô xơ và chẻ ngọn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Nguyên nhân khiến tóc bạc sớm và cách khắc phục I SKĐS