1. Tác dụng của methadone
Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (đồng vận) nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán huỷ dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài.
Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, dưới dạng siro, được sử dụng theo đường uống. Methadon có thể giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C, đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hoà nhập cộng đồng.
Việc điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng methadone giúp:
- Giảm tác hại do nghiện các CDTP gây ra như: Lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do sử dụng chung dụng cụ tiêm chích, tử vong do sử dụng quá liều các CDTP và hoạt động tội phạm.
- Giảm sử dụng các CDTP bất hợp pháp, giảm tỷ lệ tiêm chích CDTP.
- Cải thiện sức khoẻ và giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức sản xuất của xã hội.
2. Tác dụng phụ thường gặp và cách khắc phục
Hầu hết những người nghiện CDTP có ít tác dụng không mong muốn, tuy nhiên có thể gặp một số triệu chứng như táo bón, khô miệng, buồn ngủ, tăng tiết mồ hôi, rối loạn chức năng tình dục…
2. 1. Táo bón
Nhiều người khi dùng methadone bị táo bón. Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của loại thuốc này.
Khắc phục: Nên có chế độ ăn nhiều rau, hoa quả tươi, thức ăn nhiều chất xơ như khoai lang, chuối, đu đủ… đồng thời nên uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên.
Với những trường hợp bị táo bón nặng có thể uống thuốc trị táo bón như sorbitol, thụt tháo... Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.
2. 2. Khô miệng
Methadone có thể khiến người dùng giảm tiết nước bọt, khô miệng... có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
Khắc phục: Giảm/không ăn các thức ăn có đường. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày sau khi ăn sáng và tối; có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng; khám răng định kỳ.
Bên cạnh đó, có thể làm tăng tiết nước bọt bằng cách tăng cử động nhai như nhai kẹo cao su không đường và có chế độ ăn uống hợp lý.
2. 3. Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi cũng là một tác dụng phụ khiến người dùng methadone khó chịu, đặc biệt khi gắng sức, xúc động hoặc sử dụng một số thuốc trầm cảm.
Lưu ý, nếu tăng tiết mồ hôi xuất hiện ở giai đoạn đầu của điều trị cần phân biệt giữa tăng tiết mồ hôi của hội chứng cai nghiện (lo âu, dễ cáu giận, sợ hãi, đau cơ, đau bụng, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, ngáp, chảy nước mắt, nổi da gà, đổ mồ hôi, chảy nước mũi, mệt mỏi, mất ngủ) với tác dụng không mong muốn của thuốc methadone.
Khắc phục: Nên trao đổi với bác sĩ để có thể giảm liều methadone hoặc dùng một số thuốc trị tăng tiết mồ hôi. Lưu ý, không được tự ý giảm liều methadone, vì có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
2. 4. Giảm khả năng tình dục
Methadone có thể gây giảm/mất ham muốn tình dục ở một số người dùng như rối loạn cương dương (ở nam giới), rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ).
Khắc phục: Trao đổi với bác sĩ để có hướng xử lý như tư vấn, giáo dục về sức khỏe tình dục, dùng các thuốc trị rối loạn cương ( viagra, cialist, thuốc đông y…) khi cần thiết.
2. 5. Buồn ngủ
Buồn ngủ, mệt mỏi cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp ở nhiều người khi dùng methadone. Nguyên nhân có thể do thời gian uống chưa phù hợp, do uống thuốc ngủ, uống rượu hoặc tái sử dụng các chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
Khắc phục: Có thể thay đổi thời gian uống thuốc, điều chỉnh liều dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ điều trị. Ngoài ra, cần khuyến cáo tránh lạm dụng thuốc ngủ, không uống rượu, không tái sử dụng các chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.