Dị ứng mắt thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác của cơ thể. Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân độc hại. Lúc đó mắt trở nên ngứa đỏ, sợ sáng hoặc có cảm giác có vật lạ ở trong... Đây là triệu chứng thường gặp ở nhiều người, bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thị lực sau này của người bệnh.
Những năm gần đây sự ô nhiễm môi trường, mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng dùng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm bừa bãi... đã khiến các ca dị ứng mắt ngày càng tăng. Kết mạc (dân gian gọi là lòng trắng) có hệ mạch phong phú, là cửa ngõ của mắt, tập trung nhiều tế bào có khả năng miễn dịch cao nên hay bị dị ứng nhất. Tháng 4, 5, 6 là những tháng đỉnh điểm của bệnh bởi lẽ các dị nguyên như phấn hoa, bụi cỏ, nấm mốc sẽ đạt đậm độ cao nhất trong môi trường. Bên cạnh đó là nhiệt độ và độ ẩm dao động mạnh khiến bệnh càng có cơ hội tái phát.
Khi bị đau mắt cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Các tổn thương dị ứng mắt thường gặp
Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết dử mắt với các đặc điểm: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng. Các thể bệnh đặc biệt trong nhóm này đã được y văn nhắc tới nhiều như viêm kết mạc có nhú khổng lồ ở người mang kính tiếp xúc. Tại mi cũng có thể có các biểu hiện viêm nhiễm song hành.
Viêm giác mạc: Do là một tổ chức vô mạch, được nuôi dưỡng nhờ ôxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Các viêm nhiễm của giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như: viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao - xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virut herpes, thủy đậu, zona... Hiếm gặp hơn là viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc, trong đó viêm thượng củng mạc dạng nốt cũng được nhiều người cho là do dị ứng.
Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên nào lọt vào được nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Điển hình là trong một số bệnh cảnh, chất nhân của thể thủy tinh đã lọt ra ngoài bao của nó và lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên trong nhãn cầu. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glôcôm do thể thủy tinh.
Các viêm nhiễm tại mắt có thể là một phần hoặc đi kèm với các bệnh dị ứng của các hệ cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm...
Xử trí thế nào?
Khi bị dị ứng mắt, việc đầu tiên cần làm là rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo. Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Bệnh nhân cần tránh day, dụi, xoa, ấn tại mắt. Bác sĩ nhãn khoa có thể cho dùng các thuốc nhỏ mắt thuộc nhóm co mạch, kháng histamin... Các thuốc này sẽ đẩy lui và giúp giảm nhanh các khó chịu tại mắt. Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, bởi việc dùng tùy tiện hay lạm dụng các thuốc này có thể gây một số biến chứng như bệnh khô mắt, viêm do bội nhiễm nấm - herpes - vi khuẩn. Thuốc kháng histamin đường uống, vitamin C cũng có khi được khuyên dùng tùy theo bệnh cảnh. Các sản phẩm có corticoid không nên dùng liên tục hay kéo dài, thêm nữa phải luôn thận trọng với các biến chứng như: glôcôm, đục thể thuỷ tinh
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phát hiện dị nguyên gây dị ứng để tránh tiếp xúc. Kính đeo các dạng tuy không ngăn cản triệt để được dị nguyên xâm nhập vào mắt, nhưng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng và làm dịu các khó chịu tại mắt do dị ứng. Hãn hữu cũng gặp một số người bị dị ứng với chính gọng kính mà mình đang dùng, biểu hiện là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt, da mi trùng với diện tiếp xúc của gọng kính và da.
Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc nhỏ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng của bạn. Ngay cả khi các bác sĩ đã cân nhắc kỹ trước khi kê đơn thì khả năng dị ứng thuốc tra hoặc nhỏ mắt vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, nên đem đơn và thuốc đã dùng đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được chẩn đoán điều trị.
Lời khuyên của thầy thuốc
Không dụi mắt khi mắt bị ngứa hoặc bất cứ khó chịu nào vì điều này chỉ làm vùng da quanh mắt bị tổn thương và sớm để lại vết nhăn. Thay vào đó, bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt có tính kháng dị ứng, sát khuẩn hoặc có thành phần tương đương với nước mắt. Không nên tự mua các loại thuốc có cortisone để nhỏ mắt vì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt. Sau khi đã dùng các loại thuốc trên mà triệu chứng không giảm thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra còn có các loại viêm kết mạc do dị ứng khác như viêm kết mạc mùa xuân, dị ứng mắt do bệnh ngoài da... có khi rất nặng, chỉ có bác sĩ mới quyết định phương pháp và thời gian điều trị.
BS. Nguyễn Văn Châu