Thể hiện rõ ràng đường lối điều trị là điều hòa âm dương thủy hỏa, khí huyết để phục hồi chức năng sinh lý bình thường của cơ thể, cân nhắc giữa hai khâu:
- Công tà là thanh trừ những nhân tố gây bệnh (tả). Cân nhắc giữa một bên là:
Cho ra mồ hôi (phát hãn).
Gây nôn mửa (thổ).
Thông lợi đại tiểu tiện (hạ lợi).
Làm cho tiêu tán (tiêu tán).
- Bổ chính là điều hòa khí huyết, bồi bổ cơ thể (bổ). Và một bên khác là:
Làm cho hòa hoãn (hòa giải).
Làm cho dịu nóng (thanh nhiệt).
Làm cho ấm lên (ôn).
Điều bổ khí huyết (bổ).
- Cân nhắc giữa hư thực:
Bệnh đang tiến triển (tà khí thực) mà cơ thể người bệnh còn khỏe (chính khí thực), công tán bệnh tà là chính.
Bệnh đang tiến triển (tà khí thực) mà cơ thể người bệnh hư yếu (chính khí hư), vừa công tán bệnh tà vừa bổ chính khí.
Bệnh tà đã lùi (tà khí hư) mà cơ thể người bệnh hư yếu (chính khí hư), điều hòa cơ thể, bồi bổ chính khí.
Bảo đảm sự cân đối giữa các vị thuốc:
Trị nguyên nhân gọi là Quân.
Làm tăng cường hiệu lực cho vị thuốc chính (hỗ trợ) gọi là Thần.
Có tác dụng thứ yếu goi là Tá.
Có tác dụng điều hòa gọi là Sứ.
Bảo đảm liều lượng cho vừa đủ tác dụng không nên quá nhiều mà cũng không nên quá ít.
Bảo đảm không có sự cấm kỵ:
Cấm kỵ khi có thai như bã đậu (tả hạ), tam thất, tô mộc, đào nhân, hồng hoa (hoạt huyết), xạ hương (phá khí), nga truật, thủy điệt (phá huyết), phụ tử, can khương, nhục quế (đại nhiệt).
Các vị thuốc tương phản lẫn nhau: cam thảo chống cam toại, nguyên hóa, hải tảo; ô đầu phản bối mẫu, bán hạ, bạch cập; lê lô phản các loại sâm, tế tân, bạch thược.
- Kiêng cữ khi uống thuốc: ví dụ khi uống thuốc ôn trung khử hàn (nóng, ấm) không ăn các đồ lạnh; dùng các thuốc kiện tỳ, tiêu đạo không nên ăn các chất béo, tanh: dùng thuốc an thần không nên ăn các chất kích thích như tiêu, ớt.
Dùng bồ công anh chữa viêm
Áp dụng chặt chẽ các quy chế về thuốc độc Đông y.
Bảng A - Ba đậu sống, ban miêu, hoàng nàn, mã tiền, ô đầu, phụ tử sống, thạch tín.
Bảng B - Ba đậu chế, hoàng nàn chế, hùng hoàng (Asen sunfua - dùng ngoài), khinh phấn (calomen), mã tiền chế.
Chú trọng chất lượng thuốc, đúng quy cách dược liệu. Đây cũng là một điều kiện quyết định cho việc kê đơn thuốc có hiệu quả hay không.
Giới thiệu cách kê đơn thuốc
Kê đơn theo cổ phương gia giảm: Cổ phương là những bài thuốc có kinh nghiệm điều trị tốt được truyền lại trong sách vở của nhiều thời đại y học, thường một hội chứng bệnh có một bài thuốc tương ứng. Vì bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, mỗi cổ phương chỉ thích ứng được với nguyên nhân, tính chất và triệu chứng của bệnh, nên tùy theo tình hình cụ thể về sức khỏe và bệnh tật người ta có thể thêm bớt, điều chỉnh vị thuốc và liều lượng cho thích hợp.
Các dạng thuốc có nhiều, tùy theo sự cần thiết của việc chữa bệnh, người thầy thuốc có thể dùng thuốc thang, thuốc tán, thuốc hoàn, rượu...Thí dụ: cảm mạo phong hàn biểu thực vơi các triệu chứng sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, không có mồ hôi, mạch phù khẩn; dùng bài Ma hoàng thang: ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, quế chi 4g, cam thảo 4g.
- Nếu vật vã, phiền khát: thêm thạch cao để thanh lý nhiệt, gọi là Đại thanh long thang.
- Khí hư, mệt mỏi, thở ngắn, gấp, tay chân yếu, ăn kém, chậm tiêu, bụng đầy... Dùng bài Tứ quân (gồm đảng sâm, bạch truật, cam thảo, bạch linh).
- Nếu là tích trệ thức ăn: thêm trần bì, bán hạ, gọi là Lục quân tử thang.
Cách kê đơn này đòi hỏi người thầy thuốc phải nhớ nhiều bài thuốc. Phần lớn các bài thuốc xưa.
Nhuận gan: lá rau má
Kê đơn thuốc theo đối chứng lập phương:
Căn cứ vào tác dụng của các vị thuốc và đối chứng với những triệu chứng thấy được trên người bệnh, kê đơn theo nguyên tắc quân, thần, tá, sứ và gia giảm tạo thành đơn thuốc (thực chất đơn này gần giống cổ phương). Thí dụ: trong viêm khớp có đau sưng các khớp, có sốt, chất lưỡi đỏ, nước tiểu đỏ, mạch phù sác, phép trị phải là khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi niệu.
- Khu phong: dùng hy thiêm, ké đầu ngựa, phòng phong.
- Thanh nhiệt giải độc (chống nhiễm trùng): dùng kim ngân hoa, sài đất.
- Hoạt huyết (chống viêm): dùng kê huyết đằng, ngưu tất.
- Lợi niệu: dùng ý dĩ, mã đề.
Ngoài ra nếu bệnh nhân ăn kém, thêm hoài sơn, bạch truật; nếu ngủ ít thêm táo nhân, lá vông.
Kê đơn thuốc theo phương pháp này bảo đảm được mọi mặt yêu cầu của việc chữa bệnh theo nguyên tắc biện chứng luận trị Đông y; dễ sử dụng, không phải nhớ quá nhiều bài thuốc.
Kê đơn theo một bài thuốc chung có gia giảm: Bài thuốc chung này được xây dựng để giải quyết các triệu chứng chính của người bệnh. Ví dụ: trong thấp khớp phải giải quyết các chứng thường gặp là phong, hàn, thấp, nhiệt, hư.
- Trừ phong: dùng lá lốt, cà gai leo
- Trừ hàn: dùng quế chi, thiên niên kiện.
- Trừ thấp: dùng cỏ xước, thổ phục linh.
- Thanh nhiệt: dùng vòi voi, sài đất.
- Bổ âm: dùng hà thủ ô, sinh địa.
Nếu bệnh nhân có phong chứng trội, gia thêm thuốc trừ phong như tang ký sinh, rễ cây bươm bướm, ngũ gia bì.
Nếu bệnh nhân có nhiệt chứng trội, gia các thuốc thanh nhiệt như kim ngân hoa, kê huyết đằng, cỏ xước.
Nếu bệnh nhân có thấp chứng trội phải gia thêm các vị thuốc trừ thấp như thổ phục linh, mã đề, râu ngô…
Kê đơn theo lối này dễ sử dụng trong điều trị. Một khi các tính dược của thuốc Nam đã biết rõ, kết hợp với kinh nghiệm dân gian, sử dụng bài thuốc chung, thuốc gốc, thuốc cơ bản trên cơ sở lâm sàng quan sát theo Tây y hoặc kết hợp Đông y.
Thầy thuốc nhận rõ vị nào cần gia giảm, đối chiếu với bệnh trạng hiểu theo Đông y hoặc Tây y, hiểu theo tác dụng quy kinh, và đồng thời cũng phải hiểu theo tác dụng dược lý.
Ngày nay, thuốc Nam có thể hiểu theo hai cách: theo kinh nghiệm sử dụng của Đông y và theo dược liệu, dược lý cây thuốc của tây y.
Kê đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian: Những đơn thuốc này thường căn cứ theo kinh nghiệm dân gian chữa một số bệnh hay chứng nhất định.
Thí dụ:
- Dùng bồ công anh chữa viêm.
- Dùng nha đảm tử chữa lỵ.
- Dùng lá mỏ quạ đắp vết thương phần mềm.
- Dùng dầu hạt máu chó chữa ghẻ.
Những bài thuốc kinh nghiệm như thế không thể bảo đảm được tính chất toàn diện của phương pháp chữa bệnh Đông y và gặp nhiều khó khăn trước những bệnh phức tạp.
Nhuận huyết: Cỏ mực.
Kê đơn theo toa căn bản: Đã được xây dựng và áp dụng. Toa căn bản có 6 tác dụng và gồm 10 vị thuốc sau đây:
- Lợi tiểu: Rễ tranh.
- Nhuận gan: lá rau má.
- Nhuận tràng: Muồng trâu.
- Nhuận huyết: Cỏ mực.
- Giải độc cơ thể: Cỏ mần trầu, cam thảo đất, ké đầu ngựa.
- Kích thích tiêu thực: Gừng, củ sả, vỏ quít.
Bài thuốc cơ bản này có thể gia giảm như sau:
Gia giảm theo trạng thái bệnh lý
Nếu đi tiểu thông, trắng thì bỏ vị rễ tranh.
Nếu gan yếu, viêm, nóng, đau, kiết lỵ, tăng vị nhuận gan 2 - 3 lần.
Muốn nhuận tràng mạnh tăng liều muồng trâu.
Muốn giải độc cơ thể: tăng thêm liều cam thảo đất, ké đầu ngựa, cỏ mần trầu.
Nếu hơi thở khó, có đờm, hoặc bụng đầy hơi trướng, sình, sôi, gia thêm vỏ quít, gừng, củ sả…
Gia giảm theo hàn nhiệt
Trên nguyên tắc “ người nhiệt dùng thuôc hàn, người hàn dùng thuốc nhiệt”. Gặp người hàn phải tăng cường vị cay nóng, giảm bỏ vị mát; để bớt tính mát của các vị mát, nên đem sao vàng. Gặp người nhiệt phải tăng vị mát, đắng, chua, giảm bớt vị nhiệt; để tươi dùng, không phải sao.
- Thay thế các vị thuốc tùy theo tình hình cây cỏ địa phương trên nguyên tắc sử dụng thuốc theo mùa, theo vùng.
Thay rễ tranh: dùng râu bắp, cây bắp, mã đề, râu mèo, rễ thơm.
Thay thế cho rau má: Rau đắng lớn lá, lá và trái khổ qua, tinh tre xanh, dây cứt quạ.
Thay thế cho muồng trâu: vỏ cây đại, dây lá mơ lông.
Thay thế cho cỏ mực : rau dền tía, mồng tơi tía, củ cà rốt, lá huyết dụ, sinh địa.
Thay thế 3 vị cam thảo đất, ké đầu ngựa, cỏ mần tầu, lá dâu tằm, vòi voi, kim ngân, rau sam, bồ ngót.
Thay cho gừng, sả, vỏ quít: Củ riềng, thủy xương bồ, đậu khấu, đinh hương, tiểu hồi, quế chi, tiêu bột.
Cách kê toa thuốc Nam trị bệnh nói chung và toa thuốc nam trị bệnh là cả một nghệ thuật, vì người xưa nói “dụng dược như dụng binh” đòi hỏi người thầy thuốc YHCT phải tính toán cân nhắc làm sao hiệu quả nhất để chiến thắng bệnh tật góp phần điều trị hay nâng cao sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.