Cách hay để mụn trứng cá “lặn tăm”

28-12-2020 15:46 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mụn trứng cá là rối loạn mạn tính phổ biến của nang lông và tuyến bã, trong đó nang lông bị giãn nở, tắc nghẽn và viêm. Mụn trứng cá tuy không phải là tình trạng quá nguy hiểm, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nhận dạng các loại mụn trứng cá

Mụn trứng cá có biểu hiện rất đa dạng, nếu mụn nổi do tăng tiết bã, còi mụn, kén nhỏ, sẩn đỏ, sẩn mụn mủ hay những nốt sâu có thể rò mủ ra, để lại sẹo mất thẩm mỹ. Mụn thường bộc phát sau khi ăn nhiều các loại quả ngọt chứa nhiều đường như: vải, nhãn, xoài…, đôi khi mụn cũng xuất hiện gần đầu các chu kỳ kinh nguyệt. Ở lứa tuổi dậy thì, thông thường các mụn trứng cá đầu đen. Đây là những chồi sừng nhỏ trong các lỗ của tuyến bã, có thể thoát ra ngoài tự nhiên. Ở một số bạn tuổi dậy thì mụn trứng cá xuất hiện là những chấm nhỏ màu trắng thường thấy ở má, cằm... Trên thực tế mụn đầu trắng cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ 30-40 tuổi do sự tăng kích tố nam ở buồng trứng hay tuyến thượng thận, thường là do bệnh đa nang buồng.

Tuy nhiên, mụn trứng cá có thể do vi khuẩn gây viêm Propionibacterium acnes (P. acnes) và các yếu tố gây viêm khác làm hình thành các nhân mụn trứng cá. Khi đó các mụn này thường để lại sẹo xấu, thường là sẹo lõm và một số trường hợp bị sẹo quá phát rất khó điều trị. Đó là loại mụn trứng cá bọc, trứng cá mạch lươn...

Những hệ lụy của mụn trứng cá.

Những hệ lụy của mụn trứng cá.

Những nguyên nhân gây mụn

Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra mụn trứng cá có tên Propionibacterium acnes (P. acnes). Đây là vi khuẩn sống kí sinh trên da và là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra mụn.

Một số yếu tố có thể kích thích sự tắc nghẽn của các nang lông gây trứng cá: Yếu tố nội tiết: Một loạt các yếu tố nội tiết có thể kích thích sự phát triển của mụn trứng cá, trong đó, nguyên nhân chính là sự gia tăng nồng độ Androgen. Khi nồng độ androgen này tăng cao, các tuyến dầu dưới da cũng phát triển mạnh mẽ và mở rộng, tạo ra nhiều bã nhờn hơn. Khi lượng bã nhờn được sản xuất quá mức, chúng sẽ phá vỡ các thành tế bào trong lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, rất nhiều tác nhân khác bao gồm: mỹ phẩm; căng thẳng về tinh thần, về công việc;... Mệt mỏi kéo dài, thường xuyên thức khuya; Chu kỳ kinh nguyệt; Chế độ dinh dưỡng nhiều tinh bột, nhiều đường cũng có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, uống quá nhiều sữa bò và sản phẩm từ sữa cũng có tác động tương tự. Uống rượu bia, thuốc lá. Trang điểm nhiều khiến lỗ chân lông bị bít tắc thời gian dài…

Cần làm gì để trứng cá không xuất hiện?

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và uống nhiều nước (ít nhất 1,5 lít/ngày. Hãy đảm bảo có chế độ ăn cân bằng với nhiều trái cây, rau và thịt nạc, nên tránh các loại thực phẩm có nhiều đường và thực phẩm chiên. Hãy uống nhiều nước và nước ngọt ít gas như soda.

Khi bị căng thẳng, nên hoạt động thể chất bằng việc đi bộ vào buổi sáng trước khi đi làm hoặc đi bơi vào buổi tối; Rửa mặt nhẹ nhàng không quá 2 lần/ngày. Việc rửa mặt quá thường xuyên sẽ khiến da nhạy cảm khó chịu và gây mụn mọc không kiểm soát. Dùng đầu ngón tay rửa mặt với nước ấm mỗi sáng và tối. Giữ tay sạch để tránh lây vi khuẩn và chất bẩn từ tay vào mụn, khiến mụn càng tệ hơn. Ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, đúng giờ để các hormone không bị rối loạn.

Dùng thuốc hoặc kem theo hướng dẫn của bác sĩ; Tránh những chất gây kích ứng mụn như mỹ phẩm không hợp với da và kem che khuyết điểm. Nên dùng mỹ phẩm, kem chống nắng và dầu gội đầu không chứa dầu (oil free) và trên nhãn có ghi không gây mụn; Nếu bị kích ứng mụn do nắng thì tốt nhất không nên để da trần tiếp xúc trực tiếp dưới nắng. Nên dùng kem chống nắng không chứa dầu; Không tự ý nặn mụn hoặc tự lấy mủ vì rất dễ để lại sẹo hoặc làm lây lan chỗ viêm, để lại sẹo nghiêm trọng về sau. Bác sĩ sẽ lấy mụn cho bạn khi cần; Nên để kiểu tóc không phủ xuống mặt hoặc che trán, đặc biệt nếu có làn da dầu. Khi đi ra ngoài, nên che vùng bị mụn lại bằng băng keo cá nhân để ngăn ngừa bụi bẩn và vi khuẩn trong môi trường bám vào mụn. Đối với một số mụn lớn, tình trạng da khô có thể làm chậm quá trình lành mụn. Vì vậy, bạn nên cung cấp độ ẩm cho vùng mụn để nhanh hồi phục và thay băng vùng mụn hằng ngày mỗi 3 - 4 giờ.

Sử dụng thuốc trị mụn phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc. Gặp bác sĩ nếu mụn trở nên nặng hơn hoặc để lại sẹo dù đã được điều trị.

Điều trị mụn cần nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm từ bác sĩ chuyên khoa da liễu. Nếu tình trạng mụn kéo dài tốt nhất bệnh nhân nên đi khám và điều trị lâu dài tại các bác sĩ da liễu.


BS. Lan Anh
Ý kiến của bạn