Trong một thông báo mới đây, Cơ quan tình báo địa lý quốc gia Mỹ cho biết họ đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự tại biển Đông. Trong khi đó, báo chí quốc tế thông tin Trung Quốc đã xây dựng 24 gara máy bay tại biển Đông. Như vậy, chỉ 3 tháng sau khi Tòa Trọng tài La Hay ra Phán quyết bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông, nước này tiếp tục những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế nhằm hiện thực hóa những âm mưu độc chiếm biển Đông của mình.
Dựa trên những hình ảnh từ vệ tinh đưa ra tuần qua, Cơ quan tình báo địa lý quốc gia Mỹ khẳng định họ đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự tại biển Đông. Cụ thể, các hình ảnh thu được từ vệ tinh đã phát hiện những cấu trúc và thiết bị liên quan đến quân sự, có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân đội tại những hòn đảo trong khu vực.
Còn tờ Minh báo của Hong Kong số ra ngày 10/10 dẫn những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 24 gara máy bay các loại tại khu vực đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đánh giá, những gara mới xây đủ để chứa máy bay chiến đấu của một trung đoàn không quân. Còn báo chí Trung Quốc thông tin rằng nước này có thể sẽ xây những nhà máy hạt nhân mini và có thể đặt chúng trên các đảo tranh chấp ở biển Đông trong 5 năm tới.
Binh lính Trung Quốc có mặt trên các đảo xây dựng trái phép ở biển Đông.
Những thông tin vừa nêu trái ngược hoàn toàn với những gì Trung Quốc vẫn tuyên bố trước đây rằng, các hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích dân sự, chứ không nhằm mục đích quân sự.
Nguy cơ chạy đua vũ trang tại biển Đông
Những tuyên bố sai lệch và hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm chứng minh “cái gọi là chủ quyền của họ” ở biển Đông, nếu cứ tiếp diễn, chắc chắn sẽ gây thêm nhiều căng thẳng mới cũng như sự mất ổn định trong khu vực. Hiện đã xuất hiện những lo ngại mới cho rằng những hành động nguy hiểm của Trung Quốc đã và đang khơi mào cho những cuộc chạy đua vũ trang mới tại biển Đông.
Việc 5 quốc gia New Zealand, Australia, Malaysia, Singapore, Anh và mới đây nhất là Indonesia tập trận quân sự quy mô lớn ở biển Đông trong tháng 10 này là một minh chứng cho thấy: các nước đang cảnh giác cao độ trước những hành vi của Trung Quốc.
Một lần nữa, phản ứng từ cộng đồng quốc tế cho thấy Trung Quốc đã đi quá giới hạn trong hành động và cách hành xử tại biển Đông. Không ai và không một quốc gia nào có thể chấp nhận lối hành xử như vậy trong quan hệ quốc tế. Ngay tại diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ 7 vừa diễn ra tuần qua, dù Trung Quốc là nước chủ nhà, nhưng tại diễn đàn này cũng đã có không ít những tiếng nói thẳng thắn phản đối hành vi của Trung Quốc ở biển Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 vừa diễn ra tại New York (Mỹ) đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tới việc kiềm chế hành động của Trung Quốc tại biển Đông.
Ai cũng có quyền đòi hỏi lợi ích của mình nhưng tất cả cần phải nằm trong khuôn khổ và luật pháp quốc tế. Thử hỏi, nếu quốc gia nào cũng muốn “biến không thành có”, bằng mọi cách chiếm đoạt cái của người khác thành của mình thì mọi việc sẽ đi về đâu?
Trung Quốc chưa bao giờ có đủ chứng cứ để chứng minh biển Đông là của họ. Những lý lẽ mà họ đưa ra là ngụy biện, mơ hồ, đi ngược lại lịch sử và chưa từng được thừa nhận. Chả thế mà trong bài viết “Đường đứt đoạn ở biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý”, ông E-ricsk Franhk - Trưởng khoa Luật quốc tế và châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế Đại học Vri-giơ (Bỉ) đã nhiều lần bác bỏ đường chữ Lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc và cho rằng lập luận của Trung Quốc là không có cơ sở.
Với hành vi bồi đắp và tiếp tục quân sự hóa các khu vực chiếm đóng trái phép tại biển Đông, Trung Quốc tiếp tục thách thức dư luận, coi thường luật pháp quốc tế. Với những gì đang diễn ra, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng ở biển Đông hiện nay và những hệ lụy của nó gây ra.