Cách hạn chế tối đa nguy cơ tai biến sản khoa

30-09-2017 09:34 | Đời sống
google news

SKĐS - Không phải nghiễm nhiên có câu: “Người chửa cửa mả”. Những ngày tháng mang thai là giai đoạn đặc biệt nhất của cuộc đời người phụ nữ. Tuổi thai càng lớn thì sức khỏe của người mẹ càng có những biến đổi theo tỉ lệ nghịch. Ngay cả trong trường hợp thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh thì từ tháng thứ 6, những nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch thai kỳ tăng lên đáng kể. Càng gần ngày “khai hoa nở nhụy”, sức khỏe của cả mẹ và con càng cần được theo dõi chặt chẽ. Tại sao khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh lại tăng và kèm theo các biến chứng nguy hiểm?

Những nguy cơ thai phụ có thể gặp khi mang bầu

Thực tế tại các bệnh viện Phụ sản cho thấy, có những bà mẹ, khi lên bàn sinh mới biết mình bị bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như u não, hen phế quản, tăng huyết áp. Trong quá trình mang thai không theo dõi nên có hiện tượng cạn ối, tràng hoa quấn cổ. Đó chỉ là một trong những tình huống có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa, đe dọa tính mạng của cả bà mẹ và em bé. Khi không may xảy ra tai biến, mọi áp lực từ phía gia đình người bệnh bao giờ cũng dồn lên bác sĩ, kíp trực. Họ không hề biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

TS. Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng cho biết, đã có nhiều bà mẹ mang thai quan tâm, chăm sóc sức khỏe để có một thai kỳ khỏe mạnh nhưng vẫn có không ít trường hợp vì quá cẩn thận, mỗi đợt khám khám ở các nơi khác nhau, vì chủ quan không theo dõi, vì lý do kinh tế, vì điều kiện y tế ở tuyến cơ sở chưa phát triển nên trong suốt quá trình mang thai, dù cẩn thận hay không cẩn thận thì kết quả khi vào bệnh viện, hiểu biết của bác sĩ về bệnh nhân cực kỳ ít ỏi.

Chính vì không thuộc tiền sử người bệnh nên trong nhiều tình huống khẩn cấp, bác sĩ buộc phải quyết định dựa trên kinh nghiệm, kiến thức chứ không có sự chuẩn bị trước. Lấy ví dụ một trường hợp bị hen phế quản được chuyển lên từ tuyến dưới. Trong bệnh án không ghi rõ tiền sử bệnh tật, không có đầy đủ các phiếu xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dọa vỡ ối.

Trước tình trạng này, bác sĩ buộc phải đưa ra các quyết định điều trị hợp lý nhất mà không biết rõ về tình trạng hen của bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bệnh nhân lên cơn hen nếu không xử trí tốt có thể dẫn đến hậu quả xấu. Vì thế, khám bệnh tại một cơ sở y tế chuyên về sản khoa từ đầu thai kỳ đến cuối thai kỳ là việc làm khẩn thiết.

Khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ đã biết rõ bệnh nhân có tiền sử bị bệnh gì không, có thể sinh thường hay sinh mổ, từ đó hoàn toàn chủ động tiếp nhận người bệnh, giảm thiểu những nguy cơ không đáng có.

Giám sát thai kỳ giảm thiểu nguy cơ tai biến

Theo TS. Tâm, ngoài các bác sĩ chuyên khoa sản, không ai có thể biết em bé trong bụng có khỏe mạnh không, nước ối, nhau thai còn là nguồn dinh dưỡng, môi trường sống tốt cho bé? Những giờ phút trước và sau khi bé chào đời chính là thời điểm nguy hiểm nhất. Người mẹ có thể gặp một cơn sốc phản vệ, bị băng huyết, vỡ tử cung, tắc mạch ối…

Nếu bác sĩ nhận biết, xử lý chậm chỉ vài phút trong những giây phút nguy hiểm đó, tính mạng của cả hai mẹ con đều trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Ngay cả với những ca bé chào đời an toàn, thì nguy cơ nhiễm trùng sau sinh với cả mẹ và con, uốn ván rốn với con cũng là những tình huống cấp cứu nguy hiểm trong sản khoa. Đầu tiên phải kể đến là cơ địa của người mẹ mang thai.

Có những người có tiền sử hen, tiểu đường, tăng huyết áp mà họ không hề hay biết. Trong quá trình ăn uống, người mẹ không giám sát được khẩu phần ăn nên nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên. Hoặc có những người cơ địa dị ứng, chỉ cần ngửi thấy mùi thuốc kháng sinh hay ăn một thức ăn lạ đều có thể gây nên những nguy cơ.

Cũng theo BS. Tâm, trước mỗi ca sinh, kíp trực đều phải đối diện với những vấn đề của sản phụ và em bé như băng huyết, vỡ tử cung, uốn ván rốn, nhiễm trùng bệnh viện, tắc mạch ối, sốc phản vệ... Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể rõ ràng hoặc không rõ ràng nhưng với các ca bệnh tắc mạch ối, vỡ tử cung, sốc phản vệ, chỉ cần chậm một vài phút tính mạng người bệnh đã bị đe dọa hoặc nếu sống cũng bị tai biến.

Vì vậy,  xây dựng được quy trình theo dõi thai và xử trí những tình huống cấp cứu để khi gặp các tình huống như vậy là việc làm cần thiết và kíp trực không bị bất ngờ và điều trị cấp cứu cho bệnh nhân theo hướng tốt nhất. một kíp trực chỉ có từ 4-5 người nhưng có tới 20 ca vào sinh, và trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, có khi bác sĩ chưa kịp hỏi về bệnh nhân thì người bệnh đã phải lên bàn đẻ.

Trong những tình thế khẩn cấp như vậy, kíp trực chỉ có thể làm một việc duy nhất là tìm mọi cách cứu bà mẹ và em bé. Nếu người mẹ mang thai bị các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, sinh khó thì những nguy cơ trong quá trình sinh nở rất khó kiểm soát. Ngược lại, nếu người mẹ đã được lên kế hoạch sinh từ trước, bác sĩ đã biết rõ tình trạng sức khỏe qua quá trình khám thai và đã đưa ra kế hoạch cụ thể như sinh thường hay sinh mổ, nếu bệnh nhân có tiền sử bị các bệnh hen, tim mạch thì cần chuẩn bị các loại thuốc nào… Nhờ đó, nguy cơ tai biến sẽ giảm thiểu đáng kể.


Minh Thu
Ý kiến của bạn