Nó không tùy thuộc vào nhiệt độ của môi trường nhưng bị ảnh hưởng bởi những kích thích của cảm xúc, đây là bệnh có tính di truyền... và gây bất tiện trong thao tác công việc, chơi thể thao, điều khiển ôtô, xe máy, giao tiếp xã hội...
Tăng tiết mồ hôi do đâu?
Mồ hôi được sản xuất bởi các tuyến nằm ở lớp hạ bì lớp của da. Nó thường giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Mặc dù được tìm thấy trên khắp cơ thể nhưng tuyến mồ hôi lại tập trung rất nhiều xung quanh khu vực trán, nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Cấu tạo tuyến mồ hôi.
Bình thường, chúng ta có thể đổ mồ hôi những lúc vận động thể lực nhiều hay trời quá nóng. Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt, có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc (ướt tất cả vật dụng mà người bệnh cầm).
Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi như do cảm xúc, do vị giác, có thai, mãn kinh, bệnh về thần kinh giao cảm, khối u di căn chèn ép hoàn toàn thần kinh tủy sống, hạ đường huyết, uống thuốc hạ nhiệt quá liều... Mồ hôi ra nhiều quá mức có thể do cơ thể đang thiếu hay mắc bệnh gì đó.
Ngoài ra, mồ hôi tiết ra nhiều hơn khi cơ thể ở trong các trạng thái như: xúc động mạnh, ốm sốt hoặc uống rượu, ăn đồ ăn có quá nhiều vị cay, tập luyện thể thao.
Bệnh tăng tiết mồ hôi tay xảy ra ở nam và nữ ngang nhau, tuổi hay gặp từ 25 - 64. Thời điểm khởi phát thường từ 13 tuổi, mồ hôi đổ nhiều ở hai bàn tay và nách. Theo tác giả Israel Raphel Adar, có khoảng 0,6 - 1% người bị bệnh tăng tiết mồ hôi tay. Một nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ở Mỹ có khoảng 2,8% dân số bị đổ mồ hôi khu trú. Bệnh tăng tiết mồ hôi tay vô căn xảy ra khoảng 82% ở lứa tuổi thiếu niên, có kèm đổ mồ hôi nách là khoảng 52%, mồ hôi chân 29% và mặt là 20%. Không có nghiên cứu nào cho thấy bệnh sẽ nặng hơn khi lớn tuổi nhưng bệnh sẽ giảm đi khi trên 50 tuổi.
Cách phát hiện
Bệnh tăng tiết mồ hôi có 2 loại: nguyên phát và thứ phát.
Chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Nguyên nhân của tăng tiết mồ hôi nguyên phát không bắt nguồn từ bệnh lý nào trong cơ thể. Thường thì không tìm được nguyên nhân, nhất là người có tiền sử gia đình bị bệnh tăng tiết mồ hôi. Việc ra nhiều mồ hôi bất thường làm cho người bệnh khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp và làm việc.
Chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường gặp ở người bị bệnh cường giáp. Cường giáp là tình trạng lượng hormon tuyến giáp tăng quá mức trong máu. Chúng làm đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều. Những dấu hiệu thường thấy của bệnh cường giáp như cảm giác nóng trong người, hay cáu gắt khó chịu, tăng sự thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và gặp khó khăn trong giấc ngủ.
Tăng tiết mồ hôi mặt hay đỏ mặt: Mồ hôi mặt ra nhiều khiến bệnh nhân thấy khó chịu. Bệnh nhân cũng thường có những cơn đỏ mặt, nhất là khi có ai trêu chọc, làm ảnh hưởng khi giao tiếp.
Tăng tiết mồ hôi tay: Khi bệnh nhân có biểu hiện lo lắng thì bàn tay ra khá nhiều mồ hôi. Do bàn tay là phần quan trọng trong tiếp xúc với xã hội hay nghề nghiệp nên nhiều bệnh nhân tránh tiếp xúc, miễn cưỡng trong bắt tay, hạn chế làm việc liên quan giấy tờ, không viết được, hay làm nhòe mực... hoặc có thể bối rối khi nắm tay, bắt tay người khác.
Tăng tiết mồ hôi nách, bàn chân và những nơi khác gây mùi khó chịu.
Khi có biểu hiện tăng tiết mô hôi, cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi?
Để hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi, ngoài việc tác động vào nguyên nhân gây bệnh, việc thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt cũng là giải pháp hữu hiệu chữa được bệnh này.
Khi bị bệnh tăng tiết mồ hôi, cần giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tăng cường giao tiếp, xóa bỏ những mặc cảm cá nhân. Hạn chế thức ăn cay (hành tây, ớt, tỏi, rượu...): Thực phẩm cay khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Thực phẩm nhiều dầu và chất béo cũng không giúp được gì vì chúng làm cơ thể giải phóng độc tố và chất thải đi qua mồ hôi khiến mùi mồ hôi thêm tệ hơn. Uống cà phê hay thực phẩm có chứa nhiều caffein cũng làm tăng quá trình đổ mồ hôi của cơ thể. Do vậy, cần phải duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và nhiều vitamin sẽ giúp kiểm soát lượng mồ hôi.
Đảm bảo vệ sinh: Để đánh bay mùi hôi khó chịu ấy, cách đơn giản nhất là hãy giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Sau khi tập thể dục với cường độ cao hay từ ngoài đường về, đợi mồ hôi ráo hãy vào phòng tắm để gột rửa những cặn bã trên người. Nên dùng những loại xà phòng trung tính hoặc xà phòng diệt khuẩn.
Trang phục: Để hạn chế mồ hôi, nên chọn cho mình những loại quần áo mỏng, các loại vải nhẹ thoáng như cotton hay quần áo thể thao sẽ giúp mồ hôi dễ bay hơi hơn. Thay quần áo thường xuyên cũng là cách hạn chế mùi hôi khó chịu.
Khi nào nên đi khám?
Thăm khám bác sĩ ngay nếu cảm thấy việc ra nhiều mồ hôi ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày hoặc đột nhiên bị ra mồ hôi nhiều quá mức. Đừng xấu hổ, e ngại việc đi khám vì đây là một rối loạn có thể điều trị được.
Đặc biệt, với các trường hợp ra mồ hôi vào ban đêm, nên nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra vì nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.