Vì sao phụ nữ mang thai bị nám da?
Nám da khi mang thai là do lúc này cơ thể phụ nữ tăng nồng độ estrogen. Khi estrogen tăng sẽ gây ra tình trạng sản xuất quá nhiều melanin – là sắc tố mang lại màu sắc của da. Khi sắc tố này tăng và tập trung tại một điểm trên da sẽ gây ra tình trạng nám da. Ngoài nám da, còn xuất hiện các đốm nâu đậm màu, núm vú, các nếp gấp ở da chuyển màu sậm hơn, nhiều đốm tàn nhang xuất hiện.
Đây là hiện tượng bình thường và phổ biến, xảy ra khoảng 70% ở phụ nữ mang thai. Tình trạng nám, sạm da thường sẽ mờ dần mà không cần điều trị sau một thời gian. Tuy nhiên ở một số người sẽ không biến mất hoàn toàn và sẽ đậm màu hơn khi da tiếp xúc với ánh nắng, khi thay đổi nội tiết tố...
Trường hợp làn da vẫn còn vết đốm mờ sau 1 năm sinh con gây mất thẩm mỹ, có thể đến gặp bác sĩ da liễu hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để được tư vấn điều trị nám. Trường hợp nám nhiều, có thể được tư vấn các loại kem làm trắng da có chứa hydroquinone, tretinoin...
Cách hạn chế nám da khi mang thai
Như trên đã nêu, tất cả các thay đổi về sắc tố da gây nám có thể sẽ tự biến mất sau khi sinh, nhưng có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản, an toàn để hạn chế đốm/mảng nám đậm màu hơn:
- Chống nắng: Chọn kem chống nắng phù hợp với type da và phù hợp với phụ nữ mang thai để dùng hằng ngày. Đây là yếu tố rất quan trọng vì da không được bảo vệ dưới tia cực tím sẽ kích sản sinh melanin, tăng cường thay đổi sắc tố và khiến nám phát triển.
Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên. Ưu tiên lựa chọn kem chống nắng vật lý, có chứa oxit kẽm hoặc titanium dioxide. Sử dụng kem chống nắng ngay cả khi trời không nắng và bôi lại mỗi 2 tiếng 1 lần nếu ra ngoài trời.
Ngoài ra nên sử dụng mũ rộng vành và quần áo chống nắng khi đi ra ngoài trời để tránh cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời của da. Hạn chế thời gian ở ngoài trời nắng, nhất là thời điểm từ 10h-15h hằng ngày. Đây là thời điểm cường độ nắng cao nhất cùng với các tia UV gây hại cho da nhiều nhất.
- Không tẩy lông: Với chị em có thói quen tẩy lông thì khi mang thai nên ngừng. Quá trình tẩy lông thường sử dụng một loại sáp và có thể gây viêm da, kích ứng da sẽ làm cho tình trạng nám sạm da trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài các phương pháp bảo vệ da, vẫn nên sử dụng các kem dưỡng ẩm, chăm sóc da phù hợp với phụ nữ mang thai, không gây kích ứng. Không sử dụng các sản phẩm dưỡng da có chứa các thành phần như benzoyl peroxide, hương liệu, chất tạo mùi thơm, retinoids, hydroquinone, acid salicylic (BHA), paraben, aluminum chloride hexahydrate...
- Chế độ ăn: Tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin E... Các chất này có nhiều trong sữa, cà rốt, cam, chanh, đu đủ, gấc, giá đỗ, đậu nành là những loại có dưỡng chất giúp làm đẹp da, trẻ hóa làn da, chống nám. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung nước đủ... cũng là biện pháp hạn chế nám da.
Tránh dùng những loại thực phẩm có hại cho làn da như thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, cay nóng, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, cà phê, trà...
- Sử dụng mặt nạ giảm nám da: Lựa chọn mặt nạ tự nhiên giúp chống nám da và giúp da hồng hào hơn. Có thể sử dụng mặt nạ tự làm tại nhà, không dễ gây kích ứng như mặt nạ khoai tây; mặt nạ trứng gà; mặt nạ dưa chuột; mặt nạ cà chua...
Mời độc giả xem thêm video:
Nám da có điều trị được không?