Hà Nội

Cách tránh lây đau mắt đỏ cho người khác

25-09-2023 15:32 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Người bệnh đau mắt đỏ có thể đeo kính râm để giảm thiểu virus lây lan thông qua dịch tiết ở mắt. Việc đeo kính râm cũng giúp người bệnh đau mắt đỏ cảm thấy dễ chịu hơn khi tiếp xúc với ánh nắng.

Đau mắt đỏ có phải là viêm kết mạc? Đau mắt đỏ là tên gọi dân gian để chỉ tình trạng mắt đỏ lên. Hiện nay, dịch đau mắt đỏ lây lan với số ca tăng nhanh được gọi là viêm kết mạc dịch.

Làm gì để hạn chế lây lan đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ có lây không? Đau mắt đỏ có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua dịch tiết (nước mắt, gỉ mắt…). Đối với bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno gây ra hiện nay, việc lây lan qua không khí là rất ít.

Để hạn chế việc lây lan, người đau mắt đỏ có thể đeo kính râm bởi việc đeo kính râm giúp hạn chế việc đưa tay lên mắt. Điều này giúp hạn chế lây lan virus ra bên ngoài thông qua dịch tiết lúc bệnh nhân chạm vào các đồ vật xung quanh sau khi đưa tay lên mắt; hạn chế phần nào việc lây lan giữa người lành với người bệnh.

Bên cạnh đó, việc đeo kính râm giúp người đau mắt đỏ tự tin hơn khi giao tiếp với người khác do lúc này mắt của người bệnh rất đỏ. Bên cạnh đó, khi bị đau mắt đỏ, mắt của người bệnh luôn cảm thấy cộm, chói, kích thích và tiếp xúc với ánh nắng sẽ làm cho tình trạng này nặng hơn. Việc đeo kính râm giúp hạn chế việc cộm vướng.

ThS.BS. Lê Việt Cường tư vấn cách để hạn chế lây lan đau mắt đỏ.

Ngoài việc sử dụng kính râm, người bệnh đau mắt đỏ cần có một số lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày như:

- Không dùng chung các đồ dùng như khăn mặt, bát đũa, cốc, khẩu trang…

- Nhiều người đau mắt đỏ có thể gặp ở một bên mắt. Khi sử dụng khăn mặt để lau từ mắt bị bệnh sang mắt lành sẽ làm lây lan cho mắt còn lại.

- Thường xuyên vệ sinh chân tay để tránh virus bám lại trên các vật dụng.

- Người bệnh đau mắt đỏ cần tránh tụ tập hoặc đi đến nơi đông người.

Bên cạnh đó người bệnh đau mắt đỏ cần hiểu đây là bệnh do virus gây nên. Do vậy người bệnh không cần kiêng ăn gì.

Đối với người lành, khi tiếp xúc với người nghi nhiễm đau mắt đỏ hoặc người bệnh đau mắt đỏ cần rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế hoặc trước khi có ý định đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng cần vệ sinh tay thật kỹ. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc đau mắt đỏ cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

Cách hạn chế lây bệnh cho người khác khi bị đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno cần ít nhất 2 tuần để khỏi hoàn toàn.

Dấu hiệu đau mắt đỏ cần biết

Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ:

- Đỏ mắt

- Xuất hiện dịch tiết ở mắt

- Mắt có biểu hiện cộm, vướng nhiều

Nếu có các triệu chứng nêu trên, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bởi dịch đau mắt đỏ do virus Adeno không thể tự chẩn đoán tại nhà mà cần có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa mắt. Hơn nữa đỏ mắt cũng có thể là dấu hiệu của viêm kết mạc do vi khuẩn hay viêm loét giác mạc. Bên cạnh đó, việc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Cách hạn chế lây bệnh cho người khác khi bị đau mắt đỏ - Ảnh 3.

Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra và thường gặp ở Việt Nam là type 8.

Người bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno cần ít nhất 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Bệnh sẽ trải qua 2 giai đoạn là giai đoạn cấp và giai đoạn mạn. Hiện nay chưa có phương pháp nào giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh. Do vậy người bị đau mắt đỏ cần kiên nhẫn, không nên đi thăm khám quá nhiều khi thấy tình trạng không đỡ. Thay vào đó nên kiên trì tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ thấy mắt đỏ lên, cộm vướng nhiều kèm theo nhiều gỉ mắt. Tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần gây khó chịu cho người bệnh.

Ở giai đoạn mạn, bệnh nhân sẽ có biểu hiện nhìn mờ. Đây là hiện tượng do biến chứng trong giác mạc. Trong trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng viêm giác mạc nhu mô, nhẹ hơn có thể là viêm giác mạc biểu mô. Tùy vào tình trạng của từng người bệnh bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.

Xem thêm video được quan tâm:

Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống.



ThS. BS. Lê Việt Cường
Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn