Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) một tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi làm bệnh nhân khó thở. Đợt cấp của bệnh là tình trạng xấu đi của giai đoạn COPD ổn định trước đó.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù tỷ lệ nhập viện là không đổi trong suốt cả năm, nhưng COPD đe dọa tính mạng hơn vào mùa đông xuân. Trong những ngày thay đổi thời tiết, nhất là vào các đợt có không khí lạnh, dễ kích hoạt hình thành đợt cấp của COPD.Một số thay đổi có thể nhận thấy trong đợt cấp bao gồm: Tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của ho; Gia tăng tiết đờm nhầy khi ho; Thay đổi tính chất của đờm nhầy và tăng khó thở. Hãy nhớ rằng các đợt cấp tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, nhưng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các đợt cấp mùa lạnh bằng cách làm theo những hướng dẫn sau:
Tránh các loại khói kích thích hô hấp: Khói từ lò sưởi, bếp than củi, dầu hỏa, nến thơm, khói hương và nguy hiểm nhất là khói thuốc lá. Tốt nhất là nơi ở và làm việc của người mắc COPD phải cách ly với nguồn khói, đặc biệt là khói thuốc lá, yếu tố quan trọng gây bùng nổ đợt cấp COPD. Ngoài ra, vào mùa thu đông, các cửa sổ thường hay đóng kín, các loại khói quanh quẩn trong nhà có thể làm COPD nặng hơn.
Khói hương có thể làm người bệnh COPD khó thở. (ảnh minh họa)
Rửa tay là cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp hạn chế đợt cấp COPD: Rửa tay đúng cách và thường xuyên bằng xà phòng và nước là một trong những cách đơn giản và tốt nhất để tránh lây lan vi khuẩn và các loại virut khác nhau. Một tiêu chuẩn quan trọng về vệ sinh là bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng. Trước khi chạm tay vào mắt, mũi hay miệng phải đảm bảo rằng bạn đã vệ sinh bàn tay cẩn thận, đặc biệt là khi đang ở nơi công cộng.
Hắt hơi đúng cách tránh lây lan bệnh hô hấp và giúp hạn chế đợt cấp COPD: Virut hô hấp lan truyền trong không khí qua các giọt nước bọt do hắt hơi hoặc ho. Che miệng khi hắt hơi nên thực hiện đúng cách. Khuyến cáo che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy, khẩu trang y tế hoặc ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết mọi người đều che mũi miệng bằng chính bàn tay của mình, thật ra đây là một thói quen xấu có thể lây bệnh cho người khác. Nghiên cứu đã cho thấy khi bạn nhiễm một bệnh hô hấp cấp tính như cúm hoặc viêm họng, thì khả năng hình thành một đợt cấp COPD là gia tăng rõ ràng.
Dùng riêng đồ dùng cá nhân và tránh xa người đang mắc bệnh hô hấp cấp: Không nên dùng chung đồ dùng cho việc ăn uống và đồ dùng vệ sinh cá nhân, đặc biệt là trong các đợt thay đổi thời tiết, nhất là các đợt không khí lạnh. Virut và vi khuẩn dễ dàng truyền qua nước bọt. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tránh xa các bệnh viện, nơi đông người tụ họp nhất là trong phòng kín thiếu thông khí. Do mắc các bệnh đường hô hấp trên nền COPD có sẵn sẽ làm dễ phát triển một đợt cấp COPD.
Tuân thủ điều trị COPD theo hướng dẫn: Cách quản lý tốt bệnh COPD là tuân thủ hướng dẫn điều trị, nhất là trong những ngày lạnh, điều này có thể giúp tránh và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của một đợt cấp. Cần theo dõi sát các triệu chứng COPD, nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ suy hô hấp, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ. Và quan trọng phải có kỹ năng tự nhận biết các triệu chứng nặng và thông báo với bác sĩ khi cần thiết hoặc nhập viện ngay. Nắm rõ kiến thức phòng và điều trị COPD là bí quyết hạn chế đợt cấp COPD.
Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi: Người bệnh COPD cần tiêm ngừa vắc-xin cúm. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm ngừa viêm phổi để giảm nguy cơ nhiễm trùng, do bệnh cúm và viêm phổi là yếu tố dễlàm khởi phát đợt cấp của COPD.
Giữ độ ẩm nơi ở và làm việc ở mức an toàn: Điều quan trọng là giữ cho độ ẩm ở mức tối ưu trong không khí và ngăn ngừa nấm mốc phát triển nơi bạn ở và nơi làm việc, nấm mốc là một nhân tố gây kích thích phổi, làm hình thành đợt cấp COPD. Có thể giảm độ ẩm bằng máy hút ẩm hoặc tạo môi trường thông thoáng tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân.
Uống nhiều nước và dinh dưỡng đầy đủ: Uống nhiều nước có thể giúp thở dễ dàng hơn, đặc biệt là nếu có một nhiễm trùng đường hô hấp. Uống khoảng 6-8ly nước mỗi ngày. Người cao tuổi mắc COPD không nên chờ cho đến khi khát mới uống nước, nên uống một lượng nước vừa phải nhiều lần trong ngày. Chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn, tránh các thực phẩm gây dị ứng và làm khởi phát đợt cấp COPD. Nên ăn các loại rau quả giàu vitamin C và beta-carotene giúp trung hòa các gốc tự do.
Các biện pháp khác: Làm ấm người trước khi làm việc, chỉ cần thực hiện 20 phút vận động tại chỗ vào buổi sáng trước khi ra ngoài trời lạnh.Che kín miệng và tránh hít thở không khí khô lạnh. Tốt nhất, hít thở bằng mũi, không thở bằng miệng nhất là khi ra ngoài trời lạnh. Cố gắng giữ cho nhiệt độ và độ ẩm trong nhà của bạn ở mức cho phép vào mùa lạnh. Chú ý vệ sinh nhà cửa và tạo môi trường thông thoáng, hạn chế bụi nhà, lông súc vật và ẩm mốc. Hạn chế ra ngoài đường trong thời tiết lạnh. Có thể tập thể dục trong nhà, tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày trong nhà kín và ấm. Những môn phù hợp để tập trong nhà như dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.
Tuân thủ đầy đủ các cách đã nêu trên, có thể khống chế số lượng và mức độ của các đợt cấp COPD vào mùa đông, đợt tái phát có thể được xử lý một cách an toàn tại nhà, hạn chế khả năng nhập viện để điều trị nội trú.