Vật liệu cấy ghép có thể gây dị ứng
Hiện nay, kim loại được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là cấy ghép nha khoa, xương khớp, tim mạch... Các thiết bị cấy ghép bằng kim loại này đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh và thẩm mỹ của nhiều người. Tuy nhiên, kim loại lại tiềm ẩn một nguy cơ gây ra tình trạng quá mẫn cho cơ thể, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng.
Các chuyên gia cho hay, kim loại, đặc biệt là niken, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc dị ứng với các triệu chứng phát ban, ngứa, khô da, phồng rộp, đau...
Làm gì khi bị dị ứng với thiết bị cấy ghép?
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần cấy ghép và có tiền sử dị ứng kim loại nên thông báo cho bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật trước khi làm thủ thuật.
Trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, có thể lựa chọn:
- Dùng các chất liệu khác (như bằng sứ).
- Với những bệnh nhân bị phản ứng da nghiêm trọng hoặc có vấn đề do cấy ghép kim loại gây ra nên trao đổi với các bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân gây viêm phổ biến hơn.
- Có thể sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau dạng bôi hoặc uống.
- Tùy từng trường hợp có thể xem xét cần thiết loại bỏ cấy ghép hay không. Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ da liễu sẽ đánh giá xem có nên thay thế bằng một thiết bị làm từ vật liệu khác hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, dị ứng với thiết bị cấy ghép kim loại rất khó chẩn đoán vì hệ thống miễn dịch của mỗi người lại có phản ứng với chất gây dị ứng khác nhau. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ da liễu và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Trước khi thực hiện cấy ghép, người bệnh nên trao đổi với các bác sĩ để loại trừ nguy cơ dị ứng để có hướng xử lý an toàn, hiệu quả.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đau dạ dày, khám phát hiện bị nhồi máu cơ tim.