Theo Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai), thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận các học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần do áp lực học tập, đặc biệt trong thời điểm các kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.
Tỷ lệ học sinh đến đến khám, nhập viện tăng lên khoảng 3-4 lần. Ngoài ra, số lượng trẻ hoặc các bậc phụ huynh gọi đến đường dây nóng của bệnh viện để được tư vấn cao hơn nhiều.
Vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu của stress, rối loạn lo âu từ đó giúp trẻ vượt qua, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc?
Theo TS.BS. Trần Thị Hà An, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, căng thẳng trong mùa thi cũng như những căng thẳng khác trong tập, các bạn học sinh, sinh viên thường có những biểu hiện về mặt cảm xúc như: stress, lo âu, trầm cảm, thấy hoảng sợ và có một tỷ lệ không nhỏ các bạn bị mất ngủ.
Với lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên, công việc học tập chiếm một thời lượng lớn trong thời gian, sức lực cũng như tâm trí của các em. Vậy nên những áp lực trong học tập, trong thi cử có tác động lớn trong việc tạo dựng cũng như duy trì chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần của các bạn.
TS.BS. Trần Thị Hà An cho biết, cha mẹ là người gần gũi các con nhất nên những thay đổi của con từ cảm xúc đến các sinh hoạt hằng ngày như bữa ăn, giấc ngủ… có biểu hiện khác thường so với trước dù cha mẹ đã tâm sự và chia sẻ để cùng con giải quyết trong vài ngày hoặc một tuần vẫn không chuyển biến thì cha mẹ không nên ngại ngần hay trì hoãn đưa con tới gặp bác sĩ và các nhà tâm lý.
Với vấn đề bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho con trong giai đoạn mùa thi, TS.BS. Trần Thị Hà An cảnh báo các bậc phụ huynh, nếu như trẻ không có bệnh lý đặc biệt thì không nên dùng thuốc. Vì thuốc phải có bác sĩ kê đơn.
"Trên thị trường hiện có rất nhiều mặt hàng này, do vậy, cha mẹ cũng nên tỉnh táo, xác định rõ nguồn gốc và mục tiêu dùng cho con để làm gì. Dùng để bổ sung vitamin tức thời thì tốt, nhưng dùng để tăng cường trí nhớ, tăng cường sự thông minh tức thời trong mùa thi thì tôi nghĩ rằng không cần thiết".
Với trà và cà phê, TS.BS. Trần Thị Hà An lưu ý, nếu dùng ít, dùng tạm thời thì có thể mang lại hiệu quả trước mắt. Nhưng nếu dùng kéo dài sẽ tác động đến hệ thống thần kinh của con. Nhiều bạn sau khi dùng cà phê kéo dài nhưng sau mùa thi và có thời gian ngủ nhưng vẫn không trở lại giấc ngủ bình thường được, đôi khi một số trường hợp không hồi phục được.
Để chuẩn bị cho một kỳ thi thành công, chuyên gia về sức khỏe tâm thần tư vấn, các em học sinh cùng cha mẹ và nhà trường phải có sự chuẩn bị dài hơi từ trước đó. Cụ thể là chuẩn bị tâm lý, nhân cách vững mạnh, đồng thời cùng con đặt những mục tiêu lý tưởng trong học tập, xác định rõ kết quả kỳ thi có vai trò quan trọng như thế nào để có những phương pháp, những biện pháp có kết quả tốt. "Tôi nghĩ rằng, cha mẹ nên động viên, khuyến khích với các con: "Các con hãy cố gắng hết sức mình. Dù kết quả như thế nào, nhưng khi mình đã cố gắng hết sức thì không hối hận".