Nói thật với trẻ
“Nếu trẻ hỏi bạn: “Ba/mẹ ơi, con sắp đi tiêm ngừa phải không?”, thay vì phớt lờ hay từ chối trả lời câu hỏi của trẻ, hãy giải thích cho trẻ hiểu tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, và bị tiêm không có nghĩa là bị phạt. Đừng nói rằng lúc tiêm sẽ không đau vì trẻ sẽ nhận ra bạn nói dối, khiến trẻ mất lòng tin ở bạn.Thay vào đó, hãy trả lời trẻ một cách ngắn gọn, trung thực, vừa phải. Khi tiêm con sẽ thấy đau nhưng chỉ trong vài giây thôi. Sau khi tiêm, bạn đừng quên biểu lộ niềm vui và nụ cười với trẻ để con bạn hiểu được mọi chuyện đã kết thúc”, bác sĩ Margaret Fisher, Học viện Nhi khoa Mỹ chia sẻ.
Tránh cho trẻ biết nhiều trước tiêm
“Nếu bạn cho trẻ biết quá sớm, trẻ sẽ lo sợ cả tuần cho tới ngày tiêm chủng.Thay vào đó, tránh nói gì về chuyện tiêm chủng cho đến khi trẻ hỏi.Nếu trẻ có hỏi, hãy cho trẻ biết bây giờ chưa phải lúc đi chích ngừa. “Bạn còn có thể nói: “Có thể một ngày nào đó con phải đi tiêm chủng, nhưng ba/mẹ nghĩ là ngày đó còn xa”. Tuy điều đó khiến trẻ cảm thấy mơ hồ, nhưng trong trường hợp này cũng là một cách hay.Mỗi khi trẻ hỏi có bị tiêm hay không, đừng trả lời cụ thể mà nói bạn phải kiểm tra lịch tiêm ngừa xem thế nào.Bằng cách đó bạn sẽ không khiến trẻ lo sợ.Ngược lại, nếu đề cập quá nhiều về chuyện tiêm chủng, có thể khiến trẻ lo lắng nhiều hơn. Một khi nỗi sợ leo thang, trẻ càng tỏ ra hoang mang trong suốt chuyến đi từ nhà đến phòng khám”, tác giả của bộ sách Baby 41, bác sĩ y khoa Ari Brown, kiêm cố vấn cho bậc phụ huynh giải thích.
Ảnh minh họa
Giảm đau cho trẻ
Một số chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ hãy bôi kem gây tê cho trẻ khoảng 20 phút trước khi tiêm, để làm tê da. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại kem gây tê phù hợp cho con bạn. Trong lúc tiêm, có thể đánh lạc hướng trẻ bằng cách nắm chặt tay trẻ, làm trò, kể chuyện hay đơn giản là hát bài hát mà trẻ yêu thích.
Tránh can thiệp quá sâu vào quá trình tiêm ngừa
“Nếu lúc tiêm trẻ bị kích động, tốt nhất bạn nên lùi lại để y tá hoặc bác sĩ lo liệu. Đôi lúc, trẻ phản ứng thái quá khi thấy mũi tiêm do chúng biết làm vậy sẽ nhận được sự chú ý từ cha mẹ. Không ít bậc cha mẹ vì xót cho con mà phải hủy bỏ đợt tiêm chủng. Nếu trẻ nổi giận, bạn hãy rời khỏi phòng một cách nhanh chóng để y tá, bác sĩ tiếp quản, hoặc có thể đứng ở góc phòng và nhìn vào mắt trẻ.Bằng cách đó bạn vừa giúp được trẻ, vừa không cản trở quá trình tiêm ngừa.Điều này giúp quá trình tiêm ngừa trôi qua nhanh hơn và giảm thiểu những sự cố đáng tiếc cho những người khác”, bác sĩ Brown khuyên.
Nhanh chóng trấn an trẻ
Sau khi tiêm chủng, cho trẻ ngồi yên hoặc nghỉ ngơi trong lòng bạn trong vài phút để đảm bảo trẻ không bị choáng hoặc chóng mặt (việc này có thể xảy ra nếu trẻ đứng dậy quá nhanh sau khi trải qua cảm giác căng thẳng hay sợ hãi). Chà xát vết tiêm nếu trẻ thấy đau và chườm nước đá khoảng 10 phút để vết tiêm không bị sưng. Một số bác sĩ khuyên, tránh cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi tiêm vì có thể ảnh hưởng đến công dụng của vắcxin.Một số khác khuyên, cho trẻ uống thuốc Motrin hoặc Tylenol nếu sau khi tiêm trẻ còn thấy đau. Hãy luôn nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để chọn loại thuốc phù hợp cho con bạn.
Thưởng cho trẻ
Đôi lúc ngay cả những món quà nhỏ (như kẹo mút hoặc miếng dán hình) có thể giúp trẻ giảm đau. Những phần thưởng đặc biệt như vậy có tác dụng động viên, và giúp trẻ dạn dĩ hơn theo hướng tích cực. Bạn có thể “thỏa thuận” với trẻ sau khi tiêm vắcxin cả hai sẽ cùng ăn kem ốc quế hay cùng đi chơi bô-ling.
Để ý những tác dụng phụ của vắcxin
Khi con bạn được tiêm vắcxin, hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá, để biết chi tiết về các phản ứng phụ của thuốc. Đa phần, các phản ứng phụ của vắcxin thường là sưng, đau, sốt, nhức đầu, thậm chí cáu kỉnh, mệt mỏi. Nếu quan sát thấy một số tác dụng phụ hiếm gặp như dị ứng, co giật, giảm ý thức hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.