Bệnh mạn tính là bệnh kéo dài, ngoài người lớn tuổi hay gặp, bệnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở những người trẻ. Các bệnh này thường có quá trình hình thành phức tạp với nhiều yếu tố ảnh hưởng; có giai đoạn phát triển dài mà không biểu hiện triệu chứng, làm suy giảm chức năng, gây ra khuyết tật và không có phương pháp chữa khỏi.
Trong dịp tết, người bệnh mạn tính cần lưu ý duy trì chế độ sinh hoạt hàng ngày hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
1. Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh
Giữ ấm cơ thể là biện pháp đơn giản, cần thiết và hữu hiệu để chủ động ngăn ngừa một số bệnh mạn tính trở nặng.
Lưu ý không mặc nhiều quần áo dày mà nên mặc đồ mỏng với nhiều lớp để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Cần giữ ấm vùng mũi, cổ và ngực để ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp, trong đó có các bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính... Nên giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo quần đủ ấm ngay cả khi ở nhà cần mặc bổ sung áo ấm, khăng quàng cổ, mũ len, tất dày... giúp cơ thể tránh mất nhiệt khi trời lạnh.
Hiện nay dịch COVID-19 đang phát triển, phải dùng khẩu trang thường xuyên để che mũi, miệng khi đi ra ngoài vừa phòng lây nhiễm bệnh vừa bảo vệ đường hô hấp.
Môi trường làm việc và nghỉ ngơi phải ấm áp nhưng thông thoáng, tránh gió lùa; cửa sổ và cửa ra vào phải có rèm che hoặc chắn gió hợp lý. Không thay đổi đột ngột nhiệt độ khi tiếp xúc với môi trường bên trong và bên ngoài. Tránh ra ngoài trời lạnh nếu không có việc cần thiết.
Ban đêm nếu không có phòng vệ sinh khép kín với phòng ngủ mà cần ra ngoài tiểu tiện thì phải mặc đủ ấm, mở cửa từ từ, vận động vài động tác cần thiết để quen với nhiệt độ thay đổi rồi sau đó mới ra ngoài. Nếu để nhiệt độ thay đổi quá nhanh và đột ngột có thể bị đột quỵ do tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch.
2. Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Dịp tết, mọi sinh hoạt đều thay đổi so với ngày thường, trong đó việc ngủ đúng giờ và đủ giấc thường bị đảo lộn. Vì vậy cần hạn chế tối đa sự xáo trộn này vì nó gây bất lợi cho sức khỏe người bệnh mạn tính.
Ngủ đúng giờ, ngủ sớm giúp cơ thể sản xuất, kiểm soát được chất serotonin sinh ra trong não có khả năng điều tiết cảm xúc con người. Nếu thiếu ngủ sẽ làm cho serotonin giảm xuống, dẫn đến khả năng điều tiết cảm xúc bị kém đi, dễ bị trầm cảm, bực bội, lo âu... Nếu ngủ đúng giờ bạn sẽ ngủ đủ giấc.
Khi ngủ đúng giờ và đủ giấc, lượng serotonin được sinh ra đầy đủ giúp làm chủ được bản thân và thực hiện các hoạt động hàng ngày hiệu quả. Dù bận bất cứ việc gì vào dịp tết cũng nên bắt đầu đi ngủ trước 10 giờ đêm. Nếu thức khuya và dậy muộn, sáng hôm sau không thể tỉnh táo, có năng lượng như khi ngủ sớm và dậy sớm. Thời gian ngủ ban đêm quan trọng cho việc tái tạo và điều chỉnh cơ thể. Nếu thức quá khuya có thể dẫn đến chứng mất ngủ, khi đã khó ngủ sẽ khó có được một giấc ngủ sâu. Hiện nay đồng hồ ở điện thoại thông minh có sẵn phần hỗ trợ nhắc giờ đi ngủ, nên cài đặt sử dụng để đi ngủ đúng giờ.
Ngủ đủ giấc rất quan trọng để bảo đảm sức khỏe. Vào dịp tết, sinh hoạt bất thường nhưng cố gắng đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
3. Ăn đúng bữa với khẩu phần thức ăn hợp lý
Vào dịp tết, thời gian các bữa ăn cũng thất thường. Việc ăn uống đúng giờ, đúng bữa giúp cơ thể có năng lượng hoạt động phù hợp. Lưu ý dù bận rộn, vui chơi những ngày tết cũng phải sắp xếp giờ ăn hợp lý:
- Ăn sáng trong thời gian 30 phút đến 1 giờ sau khi thức dậy để bổ sung năng lượng và lượng đường máu sau giấc ngủ đêm 6-8 giờ.
- Ăn trưa trong thời gian 3-4 giờ sau ăn sáng.
- Ăn nhẹ buổi chiều sau ăn trưa 3 giờ.
- Ăn tối trong thời gian 2-3 giờ sau khi ăn nhẹ buổi chiều.
- Ăn nhẹ buổi tối trong thời gian 9 giờ tối hoặc 1 giờ trước khi ngủ.
Người bệnh mạn tính mỗi ngày nên ăn 5 bữa nhỏ tốt hơn là ăn 3 bữa lớn vì giúp tiêu hóa dễ dàng, ổn định lượng đường máu, ngăn ngừa mệt mỏi, không bị ợ nóng, kiểm soát được năng lượng hoạt động cơ thể... Giữa các bữa ăn nên chú ý bổ sung nước lọc để cơ thể có đủ nước cần thiết.
Ngoài ăn đúng bữa, đúng giờ việc thực hiện chế độ ăn uống với khẩu phần thức ăn hợp lý cũng hết sức quan trọng vì đây là biện pháp giúp ngăn ngừa, hạn chế và kiểm soát các bệnh mạn tính rất hiệu quả nhất là bệnh tim, bệnh đái tháo đường typ 2...
Chế độ ăn uống hợp lý phải có trái cây, rau quả, ngũ cốc, thịt nạc, cá, trứng, sản phẩm từ sữa ít béo... Chú ý ăn 3 bữa chính sáng, trưa và tối với đầy đủ chất dinh dưỡng; 2 bữa ăn nhẹ vào buổi chiều và tối là ăn đêm đơn giản để tăng cường năng lượng cần thiết. Không uống cà phê, trà đậm vào buổi chiều tối gây mất ngủ; không uống rượu bia và đồ uống có cồn vì không tốt đối với bệnh mạn tính.
4. Vận động và tập thể dục đều đặn
Vận động thường xuyên, tập thể dục đều đặn hàng ngày là hoạt động thể chất giúp ngăn ngừa, kìm hãm và kiểm soát các bệnh mạn tính. Vì vậy, những người bệnh mạn tính đều cần phải nhớ thực hiện các động tác vận động nhẹ hoặc tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nhất là những người từ 45 tuổi trở lên để giúp giảm nguy cơ ảnh hưởng của các bệnh mạn tính như đái tháo đường type 2, bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi chi dưới, suy tim, đột quỵ não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, các bệnh xương khớp, nhiều loại ung thư, trầm cảm và lo âu, chứng mất trí nhớ...
Tết là dịp để được nghỉ ngơi, thăm viếng, chúc nhau niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc... Tuy vậy, dù có xáo trộn so với ngày thường cũng phải lưu ý thực hiện chế độ sinh hoạt bảo đảm sức khỏe, nhất là những người có bệnh mạn tính, phòng ngừa bệnh phát nặng trong và sau dịp tết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?