Trong cuộc sống chúng ta hay nghe nói câu: "Đời là bể khổ", "Đời là vô thường", "Mình là vô ngã" - và cả phước đức . Nhưng chả mấy người hiểu về những câu nói đó. Phong thủy sư Tam Nguyên sẽ giải thích về vấn đề này như sau:
1. Đời là bể khổ
Chân lý này không đơn thuần là sự khẳng định cuộc sống là đau khổ và bi thương mà con người còn sống thì buộc lòng phải chấp nhận.
Cuộc đời không ai có thể tránh được những buồn phiền, khổ đau, mất mát, kỳ vọng vào những điều vượt quá khả năng, hay không phù hợp với hoàn cảnh... dễ khiến ta càng thêm thất vọng khi không đạt được nó.
Một khía cạnh khác của "Đời là bể khổ" chính là khuyên ta đừng nên mang những suy nghĩ viễn vông, không thực tế.
Hãy chấp nhận quy luật sinh, lão, bệnh, tử như một điều tất yếu của cuộc sống.
Đừng bao giờ tự lừa dối mình bằng những suy nghĩ như cuộc sống này là dễ dàng và không có đau khổ, hãy chấp nhận sự không hoàn hảo với một trái tim bao dung và cởi mở.
2. Đời là vô thường
"Vô thường" mang nghĩa một cuộc sống diễn tiến không ngừng, luôn luôn phát triển, luôn luôn mới mẻ.
Chúng ta không thể sống lại thời điểm đã qua. Mỗi ngày trôi qua là mọi sự đều thay đổi, cơ thể và suy nghĩ của chúng ta cũng khác.
Mọi thứ đều thay đổi, đều vô thường. Chẳng có gì là tuyệt đối, vĩnh cửu, tận cùng, và ta luôn có thể thay đổi cuộc đời mình.
Vì vậy, đừng sợ hãi khi sự thay đổi "chạm ngõ" nhà bạn, hãy chấp nhận nó.
Nếu như bạn sợ sự vô thường có thể phá huỷ những điều tuyệt vời mình đang có thì hãy biết trân trọng từng giây từng phút của hiện tại, của mối quan hệ đang có, của sức khoẻ, tâm hồn, công việc, tuổi trẻ…
Nếu bạn đang đau khổ thì cũng đừng tuyệt vọng vì hiện thực khổ đau, ngày mai rồi sẽ khác.
3. Mình là vô ngã
Nếu như vạn vật là vô thường thì bản thân mỗi người là vô ngã. Bản chất của một người không phải là điều bất đi bất dịch mà có thể thay đổi. Cơ thể thay đổi, ký ức thay đổi, suy nghĩ và tính tình cũng có thể thay đổi.
Chúng ta sẽ thay đổi theo môi trường xung quanh, hoàn cảnh sống hoặc theo cả cách chúng ta muốn thể hiện với mọi người.
Vì vậy bạn đừng bao giờ đóng khung bản thân, cũng đừng đánh giá người nào chỉ qua hành động đơn lẻ của họ.
Chúng ta đều có thể thay đổi, hôm nay tốt hơn hôm qua, đừng ngại và đừng nghĩ rằng con người mình là bất biến. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình. Hãy nhớ rằng, trong từng khoảnh khắc, ta đều mới mẻ.
Ngoài ra, Phong thủy sư Tam Nguyên chia sẻ 10 cách gieo trồng phước đức để được sống bình an và hạnh phúc (trong kinh Phước Đức), khuyên mọi người hãy nương theo lời dạy của đức Phật để làm lợi lạc cho mình trong hiện tại và mai sau:
1. Luôn gần gũi người hiền
Lánh xa kẻ xấu ác
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.
2. Biết chọn môi trường tốt
Để làm các việc lành
Cùng hướng về đường thiện
Là phước đức lớn nhất.
3. Siêng học lại giỏi nghề
Biết giữ gìn đạo đức
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.
4. Biết hiếu dưỡng cha mẹ
Thương yêu gia đình mình
Lại làm nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.
5. Sống vui vẻ bố thí
Giúp gia đình người thân
Bình đẳng tùy theo duyên
Là phước đức lớn nhất.
6. Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Siêng năng làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.
7. Biết khiêm cung lễ độ
Để học hỏi điều hay
Nhớ ơn và biết đủ
Là phước đức lớn nhất.
8. Biết kiên trì phục thiện
Thân cận bậc hiền Thánh
Siêng năng cùng tu học
Là phước đức lớn nhất.
9. Sống tinh thần tỉnh thức
Biết quay lại chính mình
Để sống đời giải thoát
Là phước đức lớn nhất.
10. Làm việc cùng mọi người
Tâm không hề thay đổi
Não phiền dứt, an nhiên
Là phước đức lớn nhất.
... Ai sống được như vầy
Ở đâu cũng hạnh phúc
An nhiên và tự tại
Vì phước đức vẹn toàn.
"Phước đức" có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, để bớt chướng ngại trên đường đạo - chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sanh tử.
"Phước đức" rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, nhờ phước đức chúng ta qua được, giảm được những nghiệp báo, những chướng nạn trở ngại trong cuộc đời (và trên đường tu tập của người học đạo), chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không (ví như chúng ta có tiền tiết kiệm để trả nợ đã vay từ nhiều kiếp trước và kiếp này, tiền tiết kiệm nhiều chừng nào thì mau dứt nợ chừng ấy).
Phước đức có thể tích lũy được nếu chăm chỉ tu tâm dưỡng tính, làm việc thiện như sau để gia tăng phước đức:
– Kiêng sát sinh, chăm phóng sinh;
– Tụng kinh, niệm Phật;
– Không tà dâm;
– Cứu người khi họ gặp nạn;
– Trân trọng phúc khí;
– Thuyết phục mọi người làm điều thiện;
– Bảo vệ và tiếp nối trí tuệ của Đức Phật;
– Khiêm tốn và nhân từ;
– Hộ niệm giúp người khác…
*Theo Songdep
Nơi sự sống mong manh (P8): Nước mắt ngày trở về