Cách giảm triệu chứng khó chịu của bệnh đau mắt đỏ khi mang thai

10-09-2023 07:38 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Dù không quá nguy hiểm nhưng đau mắt đỏ khi mang thai cũng khiến mẹ bầu rất khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày nên cần đi khám để được chữa trị ngay nếu phát hiện bị bệnh.

1. Những triệu chứng đau mắt đỏ ở mẹ bầu

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc, màng bao phủ phần trắng của mắt và bên trong mí mắt. Tình trạng viêm thường do nhiễm virus, vi khuẩn và đôi khi tình trạng viêm xảy ra do dị ứng (lông động vật, bụi)…

Các triệu chứng phổ biến của đau mắt đỏ bao gồm:

  • Mắt có màu hồng hoặc đỏ.
  • Cảm giác khó chịu, cảm thấy vướng hoặc thô ráp trong mắt.
  • Ngứa và kích ứng ở mắt hoặc trên mí mắt.
  • Chảy nước mắt, ra nhiều rỉ mắt màu xanh hoặc vàng vào buổi sáng.
  • Thị lực suy giảm, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau và sưng, nổi hạch trước tai.
  • Một số mẹ bầu có kèm tình trạng viêm mũi dị ứng.

Mẹ bầu có thể có một hoặc vài triệu chứng nói trên và ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Để khỏi bệnh phải mất từ vài ngày đến 2 tuần, tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

2. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ khi mang thai

Nguyên nhân đau mắt đỏ ở mẹ bầu cũng giống như những người khác. Nhưng khi mang thai có khả năng nhiễm bệnh cao hơn nếu tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh đau mắt đỏ khi mang thai có thể do 3 nguyên nhân chính là:

Bệnh do virus

Những việc cần làm khi mẹ bầu bị đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Adenovirus gây bệnh đau mắt đỏ.

Cảm lạnh thông thường, cúm và thậm chí cả COVID-19 đều gây viêm kết mạc khi virus hoạt động. Vì virus kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều loại virus thông thường có thể gây viêm mắt. Nguyên nhân chủ yếu nhất gây đau mắt đỏ khi mang thai là do virus nhóm Adeno. Có thể nhận thấy các triệu chứng đau mắt đỏ trước, trong hoặc ngay sau khi bị nhiễm virus. Thông thường, khi nhiễm virus, mẹ bầu sẽ đau cả hai mắt cùng lúc và thấy ngứa ngáy mắt kéo dài.

Nhiễm vi khuẩn

Nhiều lúc đau mắt đỏ là do vi khuẩn chứ không phải do nhiễm virus. Điều này thường xảy ra ở những người đeo kính áp tròng không đúng cách. Nhưng nó cũng có thể do tay chạm hay dụi mắt thường xuyên khi tay không sạch, đường hô hấp bị nhiễm trùng hoặc thậm chí là vi khuẩn gây ra một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và Chlamydia.

Dị ứng

Dị ứng theo mùa cũng như dị ứng với bụi, nấm mốc và lông thú cưng gây viêm mắt tạm thời và có cảm giác rất giống các loại bệnh đau mắt đỏ khác. Các triệu chứng thường biểu hiện là ngứa mắt, cộm và đỏ tạm thời. Tình trạng này sẽ biến mất nếu mẹ bầu ngừng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

3. Điều trị đau mắt đỏ khi mang thai

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị đau mắt đỏ tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Ngoài ra còn có các biện pháp điều trị tại nhà có thể làm giảm bớt sự khó chịu của mẹ bầu khi mắc phải đau mắt đỏ.

Thuốc nhỏ mắt

Nếu bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Chỉ trong vài ngày nhỏ thuốc, mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ chịu nhưng để trở lại bình thường phải mất khoảng một tuần, thậm chí lâu hơn.

Phần lớn thuốc nhỏ mắt kháng sinh đều an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh phổ biến trị đau mắt đỏ an toàn cho mẹ bầu.

Nếu bệnh đau mắt đỏ là do virus gây ra, thuốc nhỏ mắt kháng sinh sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc và phương pháp điều trị khác.

Nếu đau mắt đỏ do dị ứng, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamine với liều lượng hạn chế và cũng nên được bác sĩ kê đơn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo là một cách hay để làm dịu đôi mắt bị viêm và kích ứng. Nước mắt nhân tạo không phải là thuốc, thường có thể được sử dụng với kính áp tròng và có thể nhỏ thường xuyên nếu thấy khô mắt, ngứa hoặc kích ứng mắt.

Nếu mắc một loại đau mắt đỏ không do vi khuẩn và cần giảm đau trong khi hồi phục, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng nước mắt nhân tạo để làm dịu một số triệu chứng. Nước mắt nhân tạo an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Thuốc OTC (thuốc không kê đơn)

Nếu mẹ bầu bị đau nhiều do đau mắt đỏ có thể dùng một số loại thuốc OTC được coi là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên đi khám và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua thuốc sử dụng.

4. Biện pháp khắc phục tại nhà

Những việc cần làm khi mẹ bầu bị đau mắt đỏ - Ảnh 4.

Vệ sinh mắt sạch sẽ và chườm mắt để làm giảm sự khó chịu.

Những biện pháp khắc phục sau tuy không chữa khỏi bệnh đau mắt đỏ nhưng sẽ làm giảm một số triệu chứng và thời gian hồi phục nhanh nếu bệnh đau mắt đỏ của mẹ bầu do virus hoặc do kích ứng gây ra:

- Dùng gạc mát hoặc ấm đắp lên mắt có thể làm giảm khó chịu.

- Dùng bông nhúng nước sạch loại bỏ bất kỳ chất tích tụ hoặc rỉ mắt nào gây khó chịu cho mắt

- Nếu thường đeo kính áp tròng, hãy chuyển sang đeo kính gọng cho đến khi tình trạng viêm hết hẳn.

- Ngâm túi trà xanh trong nước nóng khoảng 20 phút, sau đó cho vào tủ lạnh. Đắp túi trà xanh ướt lên mắt cũng có thể làm giảm viêm nhờ các chất chống oxy hóa có trong trà. Sau khi đắp lên mắt nên gói trong túi nilon rồi vứt bỏ.

Những biện pháp này an toàn cho phụ nữ mang thai và hỗ trợ làm giảm triệu chứng khó chịu ở mắt chứ không phải là phương pháp chữa bệnh. 

5. Mẹ bầu bị đau mắt đỏ có lây không?

Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn rất dễ lây lan, nhất là khi chạm vào mắt bị nhiễm trùng, sau đó chạm vào người hoặc bề mặt khác. Bệnh cũng có thể lây lan qua việc dùng chung các đồ vật thường dùng như khăn, chăn gối cũng như khi ho và hắt hơi.

Nếu bệnh đau mắt đỏ là do dị ứng, chất kích thích hoặc chấn thương, mẹ bầu không phải lo lắng về việc lây lan cho người khác và cũng không thể lây cho thai nhi. Các loại đau mắt đỏ không do vi khuẩn thường tự khỏi, chỉ cần điều trị tối thiểu trong vòng 7 đến 14 ngày.

6. Phòng ngừa đau mắt đỏ khi mang thai

Những việc cần làm khi mẹ bầu bị đau mắt đỏ - Ảnh 5.

Nên dùng nước nhỏ mắt để dưỡng mắt.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau mắt đỏ là giữ vệ sinh tay tốt. Tránh dụi mắt hoặc để tay chạm lên mặt, mắt. Nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn và dùng nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp giảm lượng bụi bẩn và vi khuẩn có thể truyền vào mắt gây nhiễm trùng. Ngoài ra, khi bị đau mắt đỏ, phụ nữ mang thai cần lưu ý:

  • Mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng hơn nên tránh tiếp xúc với người bệnh.
  • Tránh dùng chung những thứ như khăn mặt, khăn tắm và khăn trải giường với người khác, tránh các chất kích thích từ môi trường gây dị ứng, cẩn thận hơn nếu đeo kính áp tròng.
  • Nên dùng thuốc nhỏ mắt để dưỡng mắt mỗi ngày.
  • Không được dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt với người khác.
  • Khăn mặt cần được giặt sạch thường xuyên và phơi khăn ngoài nắng để hạn chế vi khuẩn sinh sôi trong khăn.
  • Hạn chế đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao tiềm ẩn mầm bệnh và tránh xa những người bị bệnh.
  • Không nên sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
  • Hạn chế đi bơi vì có thể lây nhiễm bệnh dễ dàng qua nước ở bể bơi.
Mẹ bầu nên biết 6 yếu tố gây dị tật bẩm sinh và cách hạn chế nguy cơMẹ bầu nên biết 6 yếu tố gây dị tật bẩm sinh và cách hạn chế nguy cơ

SKĐS - Dị tật bẩm sinh xảy ra khi thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, chức năng các cơ quan, sự phát triển về thể chất và tinh thần. Dị tật bẩm sinh nghiêm trọng là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thai phụ phát hiện nhiễm đậu mùa khỉ: Cần chăm sóc mẹ và bé như thế nào?


ThS. BS Trần Thế Hùng
Giám đốc Bệnh viện mắt Việt - Nhật
Ý kiến của bạn