Hà Nội

Cách giảm tai nạn cho trẻ khi ở trường

17-07-2015 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Tai nạn thương tích (TNTT) rất dễ xảy ra ở lứa tuổi mầm non, học sinh tiểu học… bởi các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm vì chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh.

Những yếu tố nguy cơ gây tai nạn

Yếu tố xã hội: Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia có những đặc điểm về yếu tố nguy cơ gây TNTT khác nhau. Hiện nay ở các nước đang phát triển TNTT  được coi là hậu quả không thể tránh khỏi. Sự gia tăng về cơ giới hóa về giao thông, sự đô thị hóa và sự thay đổi công nghệ các nước đang phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về tình trạng TNTT ở các nước này. Ở những nước kinh tế-xã hội phát triển còn thấp cũng dễ gây ra TNTT do lửa, đánh nhau….

Người lớn bất cẩn trẻ dễ gặp tai nạn điện giật.

Yếu tố con người: TNTT phụ thuộc vào các yếu tố: giới tính, tuổi tác, nhận thức hành vi, tình trạng sức khỏe sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác…..

Do  môi trường: Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở trường: ổ cắm điện, cầu dao, dao kéo, bàn ghế hư hỏng chưa sửa chữa kịp, ngã do chạy nhảy, đùa nghịch, thức ăn không đảm bảo ATTP… Các yếu tố nguy cơ ngoài cộng đồng: nhiều ao hồ, cơ sở hạ tầng, đường giao thông không đảm bảo…

Giáo dục về an toàn còn chưa thực hiện đầy đủ, nhận thức của mọi người về phòng chống TNTT còn hạn chế. TNTT  hiện đang là vấn đề sức khỏe của toàn cầu.

Cách phòng tránh cho trẻ

Phòng tránh TNTT cho trẻ em là biện pháp hiệu quả nhất trong kiểm soát TNTT. Tác dụng phòng ngừa hay bảo vệ các thiết bị/phương tiện đã được thiết kế để cá nhân được tự bảo vệ.

Củng cố cơ sở vật chất của trường, cụ thể: Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; không cho trẻ học và chơi gần những lớp học không an toàn như tường nhà, mái ngói, cột nhà cũ có nguy cơ sập xuống. Đồng thời phải cho sửa chữa ngay. Những cây ở sân trường cần có rào chắn để trẻ không leo trèo được. Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay. Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.

Phòng ngừa bạo lực trong trường học

Giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau trong trường; không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su và các hung khí; xây dựng lớp tự quản, đoàn kết.

Ngừa tai nạn giao thông: Trường phải có cổng, hàng rào; giờ ra chơi phải đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường; phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học; hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông.

Ngừa bỏng, nhiễm độc: Phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện cho các em.

Ngừa đuối nước: Trường gần ao hồ, sông suối phải có hàng rào ngăn cách. Ở vùng lũ, học sinh đi học bằng ghe, thuyền phải đảm bảo an toàn. Giếng, bể nước trong trường phải có nắp đậy an toàn. Bể bơi  cần có phao cứu sinh.

Ngừa điện giật: Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao. Dụng cụ điện ở phòng thí nghiệm phải đảm bảo an toàn trước khi cho học sinh thực hành.

Phòng ngừa ngộ độc thức ăn: Không cho bán quà bánh trong trường. Thực phẩm do thức ăn nhà bếp, nước uống phải đảm bảo vệ sinh.

ThS. Thanh Tùng

 

 

 


Ý kiến của bạn