Cách giảm nguy cơ tăng huyết áp

24-07-2015 07:20 | Y học 360
google news

SKĐS - Huyết áp được tạo ra bằng lực của máu tác động lên thành trong của mạch máu khi máu được tim bơm đi khắp cơ thể.

Tôi năm nay 40 tuổi, vừa qua đi khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp 140/90mmHg, các chỉ số xét nghiệm máu đều bình thường ngoài ra không thấy triệu chứng gì. Mặc dù chưa phải dùng thuốc nhưng bác sĩ nói cần kiểm soát huyết áp. Xin quí báo giải thích về bệnh và có cách nào giảm thiểu tiến triển của bệnh?

Trần Văn Thành (Hải Phòng)

Huyết áp được tạo ra bằng lực của máu tác động lên thành trong của mạch máu khi máu được tim bơm đi khắp cơ thể. Huyết áp ở người trưởng thành bình thường được xác định là có huyết áp tâm thu là 120mmHg và huyết áp tâm trương là 80mmHg. Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tránh quan niệm sai lầm cho rằng người bị tăng huyết áp sẽ luôn xuất hiện các triệu chứng. Thực tế hầu hết người bị tăng huyết áp không có triệu chứng nào cả và thậm chí không biết mình bị bệnh. Đôi khi bệnh tăng huyết áp có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, thở dốc, chóng mặt, đau ngực, đánh trống ngực hoặc chảy máu cam. Nếu không chú ý đo huyết áp, mà chủ quan tưởng phải có triệu chứng cảnh báo thì có thể gặp nguy hiểm vì tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Hơn nữa tăng huyết áp là một trong nhóm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được và có thể giảm thiểu nguy cơ tiến triển tăng huyết áp và hậu quả xấu của nó. Cụ thể: thực hiện lối sống lành mạnh trên cơ sở chú trọng cân bằng dinh dưỡng và vận động thể lực thường xuyên kể cả trẻ em và người trẻ tuổi; ăn nhiều rau quả tươi; giảm khẩu phần chất béo và tổng lượng chất béo, hạn chế ăn mỡ động vật; giảm ăn muối( dưới 5g muối/ngày); vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra hạn chế rượu bia; không hút thuốc lá kể cả thụ động. Trường hợp của bác đã có bệnh tăng huyết áp ngoài việc thực hiện như trên cần theo dõi huyết áp tại nhà (nếu có thể); định kỳ 6 tháng kiểm tra đường máu, cholesterol máu và albumin trong nước tiểu; nếu được kê đơn thuốc giảm huyết áp, cần uống thuốc thường xuyên và tuân thủ chỉ dẫn cũng như tái khám đúng hẹn.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

 

 

 


Ý kiến của bạn