Hà Nội

Cách giảm ngứa, giảm tổn thương cho người bệnh ghẻ

25-09-2024 15:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Điều trị bệnh ghẻ ngoài việc dùng thuốc, cách ly, vệ sinh sạch sẽ thì người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để tăng cường miễn dịch, giảm ngứa, giảm tổn thương do bệnh.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh bị bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da, lây lan nhanh và có biểu hiện đặc trưng là ngứa dữ dội, nhất là vào ban đêm, khi cái ghẻ di chuyển đào hang làm kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da.

Bên cạnh việc điều trị diệt cái ghẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, khi bệnh trong giai đoạn ổn định có thể thực hiện các bài tập luyện nhằm:

- Giảm các triệu chứng lo âu, giảm đau, giảm viêm giúp giảm triệu chứng ngứa, dị ứng, giúp bệnh nhân phấn chấn, giảm tổn thương do ghẻ gây ra, ăn ngủ tốt hơn.

- Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, đẩy lùi bệnh tật, giảm tác dụng phụ quá trình điều trị bằng kháng sinh.

- Giúp cơ thể sạch sẽ, khỏe mạnh loại bỏ tác nhân gây bệnh.

- Giúp cho cơ thể khỏe khoắn, tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể, mạnh cơ xương hạn chế tổn thương mụn mủ, vết loét do bệnh ghẻ gây ra.

2. Các bài tập tốt cho người bị bệnh ghẻ

2.1 Yoga

- Tư thế cái cung: Tư thế cái cung giúp giải tỏa căng thẳng, tăng sức mạnh cơ bắp, tăng cường trao đổi chất, nâng cao sức đề kháng, giúp giảm đau, giảm ngứa.

Các bước thực hiện:

  • Tư thế nằm sấp trên thảm, hai chân duỗi thẳng và cách xa nhau bằng khoảng bề ngang của hông. Hai tay đặt ngang hông, lòng bàn tay hướng xuống sàn.
  • Co đầu gối lên trên và thu gót chân về phía mông. Sử dụng bàn tay chạm và giữ chặt mắt cá chân.
  • Hít thở sâu, sau đó nâng ngực lên khỏi mặt sàn, uốn cong người về phía sau.
  • Giữ mặt nhìn thẳng, kéo chân hết mức có thể để cơ thể uốn cong và căng giống như cái cung.
  • Giữ tư thế trong khoảng 4-5 nhịp thở, sau đó thở ra và từ từ buông tay. Đưa chân và ngực trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 5 lần.
IMG_256

Tư thế cánh cung tăng cường trao đổi chất, giảm ngứa, giảm đau cho người bệnh ghẻ.

- Tư thế trăng lưỡi liềm: Tư thế yoga trăng lưỡi liềm giúp bạn giảm lo âu, ngủ ngon hơn, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể, giảm đau.

Các bước thực hiện:

  • Đứng thẳng trong tư thế quả núi, chân hai bên rộng bằng hông, hai tay chắp lại trước ngực
  • Hít sâu, bước dài chân trái ra phía sau, hạ gối xuống sàn, chân phải uốn cong 90 độ.
  • Thư giãn vùng lưng, tay vươn thẳng lên cao, mở ngực và vai
  • Nhìn lên trần nhà, giữ tư thế 10-30 giây. Lặp lại với chân kia
tu-the-trang-luoi-liem-2

Tư thế trăng lưỡi liềm.

- Tư thế cúi người phía trước: Tư thế này giúp giảm đau chống viêm, thư giãn, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên sàn, chân duỗi thẳng phía trước, thả lỏng vai, hai tay đặt hai bên thân người.
  • Khi hít vào, giơ hai tay lên qua đầu.
  • Khi thở ra, vươn người về phía trước, hai tay ôm gót chân sao cho ngực nằm trên đùi, trán chạm cẳng chân.
  • Lặp lại động tác này 03-05 lần.

- Tư thế đại bàng: Tư thế giúp thư giãn, chống viêm, mạnh cơ xương, hạn chế tổn thương do ghẻ.

Cách thực hiện:

  • Bắt đầu ở tư thế đứng. Sau đó chùng chân, quấn bàn chân phải quanh bắp chân trái.
  • Giơ hai cánh tay trước mặt, bắt chéo cánh tay trái qua cánh tay phải ở khuỷu tay. Cong khuỷu tay và đưa lòng bàn tay chạm vào nhau.
  • Giữ tư thế này khoảng 3 đến 5 hơi thở.
  • Sau đó đổi chân bên kia thực hiện tương tự.

2.2 Một số hoạt động tập luyện khác

- Đi bộ, chạy bộ: Chạy bộ ở công viên, xung quanh nhà nơi thoáng mát tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, tăng cường trao đổi chất, mạnh cơ xương, sau đó tắm rửa vệ sinh sạch sẽ.

Chạy khoảng 20-30 phút/ngày. Bạn cũng có thể thực hiện vận động trên máy chạy bộ tại nhà với tốc độ phù hợp trong khoảng 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Đạp xe: Đạp xe giúp cơ thể khỏe khoắn, tăng cường sức đề kháng, mạnh gân cơ, lưu thông khí huyết, sau đó tắm rửa làm sạch cơ thể, khử trùng quần áo.

2.3 Bấm huyệt

Thực hiện bấm các huyệt sau ngày 03-04 lần, mỗi lần 15-20 phút.

Huyệt túc tam lý

Vị trí: Huyệt túc tam lý nằm ở mé ngoài phía trước cẳng chân, dưới mắt gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 ngón tay đặt ngang, khe giữa xương chày và xương mác.

Tác dụng: Bấm huyệt túc tam lý giúp tăng cường hệ miễn dịch sức đề kháng, giúp giảm đau, giảm viêm giảm ngứa, nhanh lành vết thương do ghẻ.

Huyệt chi câu

Vị trí: Trên lằn cổ tay 3 thốn, giữa khe xương trụ và xương quay, trên huyệt ngoại quan 1 thốn.

Tác dụng: Giúp hạ sốt, giảm đau do ghẻ gây ra.

3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh ghẻ khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng, lúc ta đang tràn đầy năng lượng, hoặc lúc chiều khoảng 5-6h, tập xong vệ sinh tắm rửa sạch sẽ, giặt giũ, phân loại quần áo đúng cách, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng hay khi vừa ăn no, thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.

Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau nhức nhiều, sốt, ngứa, mụn mủ nhiều, hạch ngoại vi sưng đau không được tập luyện. Khi bệnh lui, đã được điều trị ổn định, loại bỏ cái ghẻ thì mới tập luyện.

- Cách tập không gây hại sức khỏe

+ Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập đạt hiệu quả tốt nhất.

+ Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước quần áo rộng rãi thoáng mát, chất liệu mềm, co giãn tốt, vệ sinh, giặt khử trùng quần áo đúng cách.

+ Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.

+ Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ xung vitamin B, C, tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh xa rượu, bia, thuốc lá.

Mời bạn xem tiếp video:

Bệnh ghẻ sinh dục: 4 bệnh nhân phát hoảng khi bộ phận sinh dục bị ghẻ giăng kín | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn