Cách giảm ngứa da đầu sau nhuộm tóc

17-10-2023 08:27 | Mỹ phẩm

SKĐS - Nhiều người bị ngứa da đầu mỗi khi nhuộm tóc. Nguyên nhân là do hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc đều chứa hoá chất có thể kích ứng da đầu, gây ngứa.

1. Vì sao thuốc nhuộm tóc gây ngứa da đầu?

Da đầu cũng nhạy cảm như da mặt và có thể dễ bị kích ứng bởi một số thành phần trong thuốc nhuộm tóc. Sau nhuộm tóc hoặc tẩy tóc, nhiều người nhận thấy cảm giác ngứa ngáy hoặc châm chích. Đây là những triệu chứng nhẹ của tình trạng kích ứng do hóa chất, nếu kéo dài có thể tiến triển thành bỏng hóa chất có khả năng làm tổn thương tóc, nang lông và da đầu.

Cách giảm ngứa da đầu sau nhuộm tóc - Ảnh 1.

Sau nhuộm tóc, nhiều người bị ngứa ngáy hoặc châm chích da đầu.

Một số hóa chất phổ biến trong thuốc nhuộm tóc có khả năng kích ứng gây ngứa, châm chích sau nhuộm bao gồm:

- Amoniac: Khi nhuộm tóc, bạn có thể ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc. Thứ bạn đang ngửi là mùi amoniac trong thuốc nhuộm tóc. Amoniac là một chất kiềm được sử dụng để giãn lớp biểu bì tóc cho phép tóc hấp thụ thuốc nhuộm. Amoniac có thể gây kích ứng da đầu, gây ngứa.

- Hydrogen peroxide: Đây là chất cơ bản thường được pha loãng và sử dụng như một chất khử trùng nhẹ. Tuy nhiên, hydro peroxide ở dạng này được sử dụng để tẩy màu tóc để chuẩn bị cho quá trình nhuộm.

- Chì axetat: Thường được tìm thấy ở nồng độ thấp, chì axetat là một trong những hoạt chất chính trong thuốc nhuộm tóc, đặc biệt là các màu tối có thể gây kích ứng.

- Resorcinol (dùng làm chất khử trùng, benzen): Thường được tìm thấy trong thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn, resorcinol phản ứng với hydro peroxide để tạo màu. Nó là một hóa chất được biết là gây ra phản ứng dị ứng và kích ứng da và mắt.

- P-phenylenediamine (PPD): Trong thuốc nhuộm tóc, hợp chất này được sử dụng làm chất oxy hóa. PPD có tính kháng nguyên rất cao và có thể gây dị ứng. Phần lớn thuốc nhuộm tóc trên thị trường đều chứa PPD này. Mặc dù hàm lượng của PPD trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc ở dưới mức cho phép nhưng có khá nhiều người có biểu hiện phản ứng nhạy cảm.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của PPD là viêm da tiếp xúc, bao gồm ngứa, sưng tấy, phát ban và ban đỏ. Ngoài ra, còn có các tác dụng phụ khác như rụng tóc, đổi màu da và bỏng. Vùng thường gặp nhất là da đầu nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vùng da khác, bao gồm cả mặt và mắt.

Do các thành phần được liệt kê ở trên, nên thuốc nhuộm tóc có thể gây kích ứng tạm thời như nóng rát, ngứa ran hoặc châm chích. Thông thường, những phản ứng này ở mức độ nhẹ nhưng nếu triệu chứng lặp lại mỗi lần nhuộm tóc thì không nên sử dụng thuốc nhuộm tóc, vì sử dụng kéo dài có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, sử dụng thuốc nhuộm tóc thường xuyên có thể gây:

  • Thay đổi cấu trúc tóc, khiến tóc khô, giòn và dễ gãy
  • Làm tổn thương tóc và nang tóc gây rụng tóc
  • Thay đổi màu tóc tự nhiên theo thời gian...
Cách giảm ngứa da đầu sau nhuộm tóc - Ảnh 2.

Giảm tần suất nhuộm tóc để cho da đầu có thời gian phục hồi giữa các lần nhuộm.

2. Làm gì để giảm ngứa sau nhuộm tóc?

Mặc dù tình trạng kích ứng da đầu tạm thời này là phản ứng phổ biến trong quá trình nhuộm, nhưng hãy nhanh chóng gội sạch bằng nước nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau dữ dội hoặc có dấu hiệu phản ứng dị ứng trong quá trình nhuộm, tẩy hoặc uốn.

Sau khi xả sạch thuốc nhuộm tóc, hãy kiểm tra da đầu xem có vết đỏ, đổi màu, đóng vảy hoặc vết thương hở không. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, đây có thể là dấu hiệu của bỏng hóa chất do thuốc nhuộm tóc nên điều trị y tế tại các cơ sở y tế.

Để giảm ngứa da đầu sau khi nhuộm tóc, cũng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thử phản ứng dị ứng trước khi nhuộm: Trước khi sử dụng sản phẩm nhuộm trên tóc, hãy thử trên một vùng da nhỏ ở khuỷu tay và đợi một thời gian (thường là 24 - 48 giờ) để xem có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào không. Nếu có dấu hiệu dị ứng, nên tránh sử dụng sản phẩm đó.

- Hạn chế gãi: Gãi có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da, làm tổn thương da đầu, gây kích ứng da và khiến da dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong thuốc nhuộm tóc, dẫn đến cảm giác châm chích.

- Không nhuộm tóc quá thường xuyên: Giảm tần suất nhuộm tóc để cho da đầu có thời gian phục hồi giữa các lần nhuộm. Ngay cả khi không thích màu tóc của mình, bạn cũng không nên nhuộm lại ngay mà nên đợi ít nhất 1-2 tháng trước khi nhuộm. Việc nhuộm và uốn tóc cũng nên được thực hiện cách nhau ít nhất một tuần.

- Sử dụng dầu gội cân bằng độ pH: Sau khi nhuộm xong, cần gội thật kỹ để không còn cặn thuốc nhuộm trên da đầu và tóc. Nên sử dụng dầu gội cân bằng độ pH để làm dịu da đầu. Vì thuốc nhuộm tóc làm thay đổi độ pH của tóc nên cần khôi phục lại sự cân bằng sau nhuộm.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý, phụ nữ không nên nhuộm tóc trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và cho con bú. Nội tiết tố nữ thay đổi nhanh chóng trong các giai đoạn nhạy cảm này, nên hạn chế sử dụng thuốc nhuộm tóc.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Những điều cần tránh sau khi gội đầu


DS. Nguyễn Thị Mến
Ý kiến của bạn