Cách giảm đau xương khớp khi trời lạnh

12-12-2023 08:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khi trời lạnh, điều quan trọng nhất để giảm đau xương khớp là giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là chân tay, đầu. Bên cạnh đó, nên vận động nhẹ nhàng.

Vì sao bị đau xương khớp

Nhiều người bị đau xương khớp vào trời lạnh, đặc biệt ở người cao tuổi, người trung niên hoặc người có tiền sử mắc bệnh xương khớp tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi ít vận động thể thao. Người bệnh có cảm giác đau đớn, khó chịu, cũng như hạn chế vận động sinh hoạt thường ngày. Đau xương khớp thường gặp nhất là ở khớp gối, khớp háng, cổ chân, bàn chân hay cột sống thắt lưng… Một số nghiên cứu trên thế giới cho rằng nguyên nhân xuất hiện triệu chứng đau xương khớp khi thời tiết trở lạnh có thể do:

- Thay đổi về áp suất khí quyển: Khi thời tiết chuyển lạnh, áp suất khí quyển giảm xuống. Việc giảm áp suất cho phép các mô trong cơ thể bạn giãn ra. Sự giãn nở này có thể nén các khớp của bạn, gây đau đớn khi di chuyển và vận động.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên chỉ cách giảm đau xương khớp trong mùa lạnh. 

- Sự cô đặc của dịch khớp: dịch khớp thông thường giúp hạn chế các tác động cơ học khi vận động và bôi trơn khớp, cho phép khớp hoạt động trơn tru. Một số nhà nghiên cứu tin rằng thời tiết lạnh có thể khiến dịch khớp đặc lại làm hạn chế di chuyển tự do trong khớp. Kết quả là khớp bị cứng lại, gây đau và giảm khả năng vận động.

- Thiếu hoạt động thể chất: Hoạt động và tập thể dục thường xuyên là một số cách tốt nhất để giảm đau xương khớp. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn và ít hoạt động hơn khi trời trở lạnh. Thiếu hoạt động thể chất có thể gây suy yếu cơ và xương.

- Dinh dưỡng và nước: Ăn uống không đủ chất làm giảm khả năng huy động năng lực khi vận động, đi lại. Khi trời trở lạnh và tối hơn, cơ thể chúng ta không phải lúc nào cũng cảm thấy cần uống nhiều hoặc thường xuyên. Tuy nhiên, nước giữ cho khớp của bạn được bôi trơn và loại bỏ độc tố có thể gây viêm. Nhưng khi bạn bị mất nước, cơ thể bạn sẽ lấy nước từ bất cứ nơi nào có thể tìm thấy và phân phối lại đến những khu vực quan trọng nhất. 

7 cách để giảm đau xương khớp khi trời lạnh- Ảnh 1.

Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đau nhức xương khớp.

Sụn khớp có rất nhiều nước và là một trong những bộ phận cơ thể đầu tiên bị lấy đi nước. Khi đó, các khớp của bạn không thể di chuyển dễ dàng và thường bị cứng lại. Ngoài ra, việc thiếu nước cũng khiến nhiều độc tố đó tồn tại lâu hơn, gây viêm và đau thêm.

- Thay đổi cảm xúc: Ngày lạnh hơn và đêm dài hơn có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của bạn. Một số người trải qua một giai đoạn lo lắng thường được gọi là “nỗi buồn mùa đông”. Những người khác có thể bị rối loạn cảm xúc theo mùa, một dạng trầm cảm lâm sàng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phản ứng hóa học của cơ thể bạn đối với sự lo lắng hoặc trầm cảm cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với cơn đau. Do đó, cảm giác chán nản khi trời lạnh có thể khiến cơn đau xương khớp của bạn trầm trọng hơn. Ngoài ra, bạn ít có khả năng muốn đứng dậy và làm việc khi đang có tâm trạng buồn bã hoặc chán nản. Bạn càng ngồi một chỗ mà không có gì làm bạn phân tâm, bạn càng có nhiều khả năng tập trung vào nỗi đau của mình, khiến các triệu chứng càng trầm trọng hơn.

7 cách để giảm đau xương khớp khi trời lạnh- Ảnh 2.

Giữ ấm cho cơ thể là cách để phòng ngừa đau xương khớp khi trời lạnh.

Giảm đau xương khớp bằng cách nào?

Như vậy, để phòng ngừa đau xương khớp khi trời lạnh điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, có thể chủ động phòng ngừa đau xương khớp tại nhà bằng các biện pháp sau:

  1. Nếu bạn đang ở trong nhà hãy di chuyển xung quanh. Việc duy trì hoạt động giúp máu lưu thông khắp cơ thể, giữ cho bạn ấm hơn. 
  2. Sử dụng chăn nếu bạn không di chuyển nhiều, việc đắp chăn lên người sẽ giúp giữ nhiệt. Dùng điều hòa hoặc lò sưởi đảm bảo nhiệt độ trong nhà phù hợp. Hãy mặc nhiều lớp, áo giữ nhiệt. Tuyệt đối không để chân trần. Bởi tứ chi là nơi đầu tiên mất nhiệt khi bạn bị lạnh. Vì vậy đừng để chân lộ ra ngoài. Mang một đôi dép lê hoặc một vài đôi tất len thoải mái khi đi quanh nhà.
  3. Nếu bạn ra ngoài trời lạnh hãy mặc nhiều lớp và hạn chế tối đa lượng da tiếp xúc với cái lạnh, độ mũ. Bên cạnh đó sử dụng áo khoác chống gió/chống thấm nước do cơ thể bạn mất nhiệt nhanh hơn đáng kể khi trời ướt, thậm chí còn mất nhiệt nhiều hơn nếu trời có gió. Vì vậy hãy mặc áo khoác chống gió và không thấm nước nếu trời mưa hoặc có tuyết.
  4. Hoạt động thể chất giúp giảm đau xương khớp và giữ cho các khớp linh hoạt, ngăn ngừa sự xuất hiện của cơn đau xương khớp. Nếu thời tiết cho phép, hãy đi dạo hoặc tập luyện nhẹ nhàng. Bạn sẽ vừa tập thể dục vừa tận hưởng không khí trong lành. Ngay cả khi trời quá lạnh để ra ngoài, bạn có thể thực hiện rất nhiều bài tập tại nhà để duy trì sức khỏe như yoga, Pilates, giãn cơ, rèn luyện sức mạnh với tạ nhẹ hoặc các bài tập kéo dãn cơ khớp, cột sống…
  5. Uống đủ nước, hãy đảm bảo rằng bạn luôn uống đủ nước theo khuyến nghị ngay cả khi không cảm thấy khát khi trời lạnh.
  6. Luôn giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ, khi bạn bắt đầu cảm thấy chán nản, cơn đau mãn tính của bạn thường bắt đầu bùng phát. Thường xuyên ở bên gia đình và bạn bè. Đi sâu vào sở thích yêu thích hoặc tìm một sở thích hoàn toàn mới.
  7. Ăn uống lành mạnh đủ vitamin và các khoáng chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng giúp cải thiện cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của bạn.

Xem thêm video được quan tâm:

Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, điều trị và đề phòng như thế nào? | SKĐS


PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn