Đau thắt lưng phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, đặc biệt ở người già. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 23% người trưởng thành trên thế giới bị đau thắt lưng mạn tính, và tỷ lệ tái phát đau thắt lưng là 24-80%. Một số ước tính về tỷ lệ hiện mắc cho thấy 84% dân số tuổi trưởng thành có ít nhất 1 lần đau thắt lưng trong đời.
Người bệnh đau thắt lưng có biểu hiện đa dạng. Đau âm ỉ liên tục hoặc đau thành cơn dữ dội. Đau có thể lan ra trước bụng, lan xuống mông và chân hoặc chỉ khu trú một vị trí cố định.
Một số trường hợp người bệnh tê bì, yếu hai chân, rối loạn đại tiểu tiện. Tuy vậy, đa phần người bệnh đau thắt lưng không có triệu chứng toàn thân.
Căn nguyên khác nhau tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân, nhưng phổ biến nhất là cơ học (do sai tư thế, chấn thương) hoặc không đặc hiệu.
Đối với người bệnh đau thắt lưng, dù là người lớn hay trẻ em, bác sĩ cần khám kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân.
Tại nhà, người bệnh đau thắt lưng đơn thuần có thể áp dụng những cách sau để giảm các triệu chứng hiệu quả.
1. Vận động đúng giảm đau thắt lưng
Tại nhà khi đau thắt lưng người bệnh có thể khó chịu, nhất là khi đứng dậy và di chuyển. Tuy nhiên, đi bộ ngắn, tập yoga nhẹ nhàng, bơi lội hoặc một hoạt động ít tác động khác thường có thể giúp giảm đau lưng.
Vận động giúp thả lỏng các cơ đang căng thẳng và giải phóng endorphin, là chất giảm đau tự nhiên của não. Vận động thường xuyên có thể ngăn ngừa các đợt đau lưng trong tương lai do cơ bắp bị căng.
Điều lưu ý là tập luyện tốt cho đau thắt lưng nhưng không phải bài tập nào cũng có lợi. Tất cả các cảm giác khó chịu nhẹ khi bắt đầu tập sẽ biến mất khi các cơ khỏe hơn, tuy nhiên nếu đau tăng lên và kéo dài trên 15 phút khi tập thì bệnh nhân nên ngừng tập và liên hệ với bác sĩ.
Một số bài tập có thể làm đau nặng lên như cúi người, tay chạm mũi bàn chân vì làm tăng lực ép lên đĩa đệm và dây chằng vùng cột sống thắt lưng, làm kéo căng quá mức các cơ vùng thắt lưng và cơ hamstrings (gồm: cơ bán gân, cơ bán màng và cơ nhị đầu đùi).
Nếu người bệnh không thích đi bộ, bơi lội,… thì tốt nhất trước khi tập bất cứ bài tập nào khi bị đau lưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân và cường độ đau mà một số bài tập được khuyến cáo không nên áp dụng vì có thế làm bệnh nặng thêm.
2. Thực hiện tư thế đúng
Người bệnh đau thắt lưng cần điều chỉnh trong công việc, nên tiếp tục làm việc trong thời gian dài, tránh đứng hoặc ngồi lâu và khuân vác nặng. Với người làm việc văn phòng sử dụng máy tính cần chú ý tư thế không đúng do cúi người hoặc làm việc với máy tính ngồi lâu có thể gây đau lưng. Không nên ngồi bất động, tránh các tư thế cố với đồ hoặc có các tư thế sai sẽ giảm được đau thắt lưng.
3. Chườm nóng, chườm lạnh
Với trường hợp đau thắt lưng có thể sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh… đây là cách hiệu quả để giảm đau lưng.
Chườm lạnh là sử dụng đá cho vào túi vải rất hiệu quả sau khi bị thương, chẳng hạn như căng cơ. Chườm túi nước đá bọc trong khăn trực tiếp lên lưng có thể làm giảm viêm. Tốt nhất là không nên chườm đá quá 20 phút mỗi lần.
Chườm nóng giúp giảm cứng hoặc đau cơ. Để chườm nóng có thể sử dụng túi chườm hoặc có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc rang muối bọc vào túi vải để chườm. Mọi người nên kiểm tra nhiệt độ cẩn thận để đảm bảo nó không quá nóng, tránh gây bỏng.
4. Cần ngủ đủ giấc, chọn đệm cứng
Người bệnh đau thắt lưng cần ngủ nghỉ đủ giấc, vì thiếu ngủ, ngủ muộn có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn. Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ đau mà một người có thể chịu đựng. Người lớn nên ngủ 7-9 giờ mỗi đêm.
Cần lựa chọn đệm cứng, thoải mái, gối đúng kích cỡ vì sự thoải mái và thẳng hàng của lưng là điều cần thiết cho chất lượng giấc ngủ và tránh đau lưng vào buổi sáng. Đảm bảo gối đủ hỗ trợ để giữ cho lưng và cổ trên một đường thẳng. Những người ngủ nghiêng nên kê thêm một chiếc gối giữa hai đầu gối.
5. Giảm căng thẳng
Việc giảm căng thẳng với người bệnh đau thắt lưng là cần thiết. Vì căng thẳng có thể gây căng cơ và co thắt đau đớn, bao gồm cả ở lưng.
Để giảm căng thẳng người bệnh có thể áp dụng những cách sau:
- Ngồi thiền: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm căng thẳng bằng thiền cải thiện tình trạng đau lưng.
- Thở sâu: Hít thở sâu trong vài phút có thể làm dịu phản ứng căng thẳng của cơ thể.
- Yoga: Yoga tập trung vào các tư thế và hơi thở, giúp thư giãn, đặc biệt là khi thực hành thường xuyên.
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng phương pháp kéo giãn cột sống được hỗ trợ bởi các chuyên gia nắn khớp xương, nhà vật lý trị liệu, nhà trị liệu xoa bóp để giảm đau lưng.
Khi có những triệu chứng sau cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra:
- Cơn đau kéo dài hơn sáu tháng hoặc không thuyên giảm khi điều trị tại nhà.
- Cơn đau khiến bạn không ngủ được và không thể sinh hoạt hằng ngày được.
- Bị yếu hoặc tê ở bàn chân và chân.