Cách giảm đau do căng cơ và cứng khớp tại nhà

30-04-2024 07:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Căng cơ có thể do nhiều yếu tố khác nhau như căng thẳng, gắng sức quá mức, mất nước… gây cảm giác đau nhức hoặc khó chịu. Trong trường hợp này, bạn có thể thực hiện một số bài tập giảm tình trạng này tại nhà.

Điều gì gây ra căng cơ và cứng khớp?

Căng thẳng và lo lắng: Khi cơ thể bị căng thẳng sẽ giải phóng cortisol (được gọi là hormone gây căng thẳng), có thể khiến cơ bắp săn chắc và gây ra tình trạng căng cơ.

Duy trì tư thế xấu: Ngồi nhiều giờ ở bàn làm việc hoặc đứng sai tư thế có thể làm căng cơ, dẫn đến căng thẳng và cứng khớp, đặc biệt là ở cổ, vai và lưng.

Tập thể dục quá mức: Tham gia vào các hoạt động thể chất cường độ cao hoặc nâng vật nặng không đúng tư thế có thể làm căng và cứng cơ.

Mất nước: Tình trạng cơ thể bị mất nước có thể ảnh hưởng đến chức năng cơ và làm tăng khả năng bị chuột rút và căng cơ.

Thiếu vận động: Thời gian không hoạt động kéo dài, chẳng hạn như ngồi quá lâu không nghỉ, có thể khiến cơ trở nên cứng và căng.

Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn: Các tình trạng như đau cơ xơ hóa, viêm khớp và rối loạn cơ có thể góp phần gây căng và cứng cơ mạn tính.

Chấn thương: Tai nạn hoặc chấn thương cơ có thể dẫn đến căng cơ và cứng khớp.

tu-the-ngoi

Ngồi nhiều ở bàn làm việc là tư thế xấu gây nguy cơ căng cơ và cứng khớp.

Biện pháp giúp giảm đau do căng cơ

Thực hiện bài tập giãn cơ

Nếu cơ bị đau và bạn khó di chuyển, thực hiện các bài tập giãn cơ thường xuyên có thể giúp giảm căng cơ và cải thiện tính linh hoạt.

Các bài tập này nên tập trung vào việc kéo giãn các nhóm cơ chính, chẳng hạn như cổ, vai, lưng và chân, bằng cách kết hợp các động tác giãn cơ nhẹ nhàng giúp làm nóng cơ bắp và di chuyển dễ dàng hơn.

Xoa bóp

Mức độ cứng và căng cơ cao có thể làm ngắn sợi cơ và hạn chế cử động. Huấn luyện viên sức khỏe và giảm béo Jashan Vij tại Ấn Độ cho biết, xoa bóp cơ bắp có thể là một cách hiệu quả để giải phóng căng cơ và thúc đẩy sự thư giãn do làm tăng nhiệt độ của các mô mềm để các cơ bị căng có thể được nới lỏng.

Liệu pháp nhiệt

Chườm nóng lên các cơ đang căng có thể giúp tăng lưu lượng máu và thư giãn cơ. Có thể sử dụng miếng đệm sưởi, khăn ấm hoặc tắm nước ấm để làm dịu những vùng cơ bị căng và khó chịu. Ngoài ra, hãy thử sử dụng màng bọc nhiệt hoặc chườm nóng tại chỗ để giảm đau tức thì.

Liệu pháp lạnh

Liệu pháp chườm lạnh, chẳng hạn như chườm đá hoặc chườm lạnh lên vùng bị ảnh hưởng, cũng có thể giúp giảm viêm và làm tê vùng đó để giảm đau do căng cơ. Hãy nhớ bọc túi nước đá trong một miếng vải để tránh tổn thương da do tiếp xúc trực tiếp với cái lạnh. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chườm lạnh để giảm bớt sự khó chịu.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng là yếu tố lớn nhất gây căng cơ, cứng khớp hoặc đau nhức. Vì vậy, để giảm căng thẳng cả tinh thần và thể chất, hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, thiền hoặc yoga. Bạn cũng có thể thực hiện các phương pháp thực hành dựa trên chánh niệm để thúc đẩy sự thư giãn cơ bắp.

Uống đủ nước

Duy trì lượng nước thích hợp và chế độ ăn uống cân bằng giàu chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe và chức năng của cơ. Uống đủ lượng nước trong ngày giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, nguy cơ chuột rút và căng cơ.

Bạn cũng có thể kết hợp thực phẩm chứa nhiều magie, kali và canxi để hỗ trợ thư giãn cơ bắp và ngăn ngừa cứng khớp.

xoa bóp

Xoa bóp giúp giảm tình trạng căng cơ.

Bài tập và tư thế yoga giúp giảm đau do căng cơ

Thực hiện một số bài tập yoga nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng cơ, bao gồm:

Xoay tròn cổ: Nhẹ nhàng xoay cổ theo chuyển động tròn từ trái sang phải rồi từ phải sang trái để giải phóng căng thẳng ở cổ và cơ lưng trên.

Nhún vai: Nâng vai về phía tai, giữ nhẹ rồi thả ra để giảm căng cơ vai và cổ.

Gấp người về phía trước: Cúi người về phía trước từ hông, để cột sống kéo dài và các cơ ở lưng căng ra, giảm căng thẳng ở lưng dưới và gân kheo.

Tư thế em bé: Ngồi trên gót chân, hai tay duỗi thẳng về phía trước, để cột sống duỗi ra và các cơ ở lưng thư giãn.

Tư thế con mèo: Luân phiên uốn cong, gù lưng ở tư thế quỳ trên đầu gối và chống hai tay xuống sàn để giải phóng căng thẳng và cải thiện tính linh hoạt của cột sống..

Đứng gập người: Cúi người về phía trước từ hông trong khi đứng để kéo căng toàn bộ cơ thể phía sau, giảm căng thẳng ở cột sống và gân kheo.

cúi gập người

Tư thế cúi gập người ở tư thế đứng giúp giảm căng cơ.

Mời bạn xem tiếp video:

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp.


Lê Mỹ Giang
Theo healthshots
Ý kiến của bạn