Cách giảm đau cứng khớp trong mùa đông

SKĐS - Mặc dù bạn không thể kiểm soát sự thay đổi của thời tiết, nhưng bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa hoặc giảm bớt cơn đau cứng khớp trong mùa đông.

1. Yếu tố kích hoạt đau và cứng khớp trong mùa đông

Nguyên nhân khiến các triệu chứng cứng khớp trở nên trầm trọng hơn trong mùa đông vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, có một số yếu tố góp phần làm tăng tình trạng đau và cứng khớp trong mùa này, bao gồm:

Giảm nhiệt độ và thay đổi áp suất khí quyển

Nhiệt độ giảm thấp hơn vào buổi sáng mùa đông là nguyên nhân chủ yếu gây đau và cứng khớp. Tương tự như cách dầu đặc lại vào buổi sáng và cần đun nóng để trở thành chất lỏng, hàm lượng chất dịch khớp cũng trở nên đặc hơn và nhớt hơn khi nhiệt độ buổi sáng mùa đông xuống thấp hơn. Điều này góp phần gây cứng khớp.

Tuy nhiên, khi cơ thể bắt đầu di chuyển hay hoạt động, độ nhớt của dịch khớp giảm giúp tăng cường bôi trơn, từ đó giảm cứng khớp và cải thiện khả năng vận động.

Bên cạnh đó, sự dao động của áp suất khí quyển, đặc trưng của thời tiết mùa đông cũng gây tác động rõ rệt đến các mô khớp như khiến cơ, gân và dây chằng giãn ra và co lại, làm tăng thêm cơn đau ở những người bị viêm khớp có độ nhạy khớp cao.

Giảm hoạt động thể chất

TS. Sandeep Yadav, chuyên gia xương khớp tại Ấn Độ cho biết, do thời tiết lạnh trong mùa đông làm cản trở và làm giảm hoạt động thể chất hàng ngày có thể khiến các triệu chứng đau và cứng khớp trầm trọng hơn.

Ngoài ra, thời gian ở trong nhà nhiều hơn và ít tiếp xúc với ánh nắng hơn trong mùa đông dễ dẫn đến nguy cơ thiếu vitamin D, nguyên nhân góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp ngay cả ở những người có khớp bình thường.

Cách giảm đau cứng khớp trong mùa đông- Ảnh 2.

Giảm hoạt động thể chất trong mùa đông có thể gây cứng khớp.

2. Cách ngăn ngừa đau và cứng khớp

Duy trì hoạt động thể chất

Biện pháp này rất quan trọng vì các cơ, gân và dây chằng bất động rất dễ bị căng, gây ra tình trạng đau và cứng khớp.

Thời tiết lạnh trong mùa đông làm giảm thời gian hoạt động thể chất ngoài trời nhưng bạn có thể thay đổi hình thức sang tập trong nhà với các bài tập kéo giãn cơ, tập yoga thường xuyên nhằm tăng cường tính linh hoạt cũng như sức khỏe tổng thể của khớp.

Giữ ấm cơ thể kết hợp điều trị bằng nhiệt

Để chống lại giá rét trong mùa đông, bạn nên mặc quần áo phù hợp để giữ ấm cơ thể ấm vì dù hoạt động ngoài trời hay trong nhà, mặc ấm sẽ giúp chống lại tình trạng cứng khớp do nhiệt độ lạnh gây ra. Bạn nên chú ý giữ ấm các khớp tay, khớp gối…

Bên cạnh đó, có thể kết hợp các phương pháp điều trị bằng nhiệt, chẳng hạn như tắm nước ấm hoặc sử dụng miếng đệm sưởi hay chườm nóng nhằm thúc đẩy lưu lượng máu, nới lỏng các dây chằng và gân bị căng... Từ đó làm giảm đau và cứng khớp do thời tiết lạnh.

Cách giảm đau cứng khớp trong mùa đông- Ảnh 3.

Sử dụng nhiệt giúp làm giảm đau và cứng khớp.

Uống trà xanh

Trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trà xanh cũng có thể giúp giảm đau viêm khớp bằng cách ngăn chặn các hóa chất gây viêm trong cơ thể, từ đó có thể bảo vệ sụn khớp khỏi bị tổn thương thêm do viêm khớp.

Sử dụng một số loại gia vị

Một số gia vị được sử dụng rộng rãi để tăng thêm hương vị của món ăn như quế, nghệ cũng được dùng như một biện pháp giảm đau và cứng khớp trong mùa đông do có đặc tính chống viêm, chống nhiễm trùng.

Bạn có thể trộn một thìa cà phê bột quế vào cốc nước ấm và uống ngay. Uống hỗn hợp này mỗi ngày một lần để giảm đau. Với nghệ, bạn có thể cho một thìa cà phê bột nghệ vào ly sữa ấm. Trộn đều và uống hàng ngày. Bạn cũng có thể thêm một ít mật ong nếu muốn để tăng hương vị và dễ uống hơn.

Cách giảm đau cứng khớp trong mùa đông- Ảnh 4.

Sử dụng quế và nghệ thường xuyên giúp giảm đau và cứng khớp.

Xoa bóp

Phương pháp xoa bóp nhằm lưu thông khí huyết ở cân, cơ xương, giúp giảm đau và cứng khớp trong mùa đông. Phương pháp này có thể thực hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, từ mặt và đầu, vai tới ngực, chi trên, chi dưới, bàn chân, vai gáy, lưng với các động tác xoa xát, miết, ấn vào vùng bị ảnh hưởng để làm giảm triệu chứng. Thời gian thực hiện khoảng 20 phút mỗi lần.

Một số biện pháp khác

  • Bổ sung vitamin D từ thực phẩm để bảo vệ cơ thể khỏi đau nhức.
  • Uống nhiều nước và các chất lỏng khác để giữ cho cơ thể đủ nước và tránh bị đau cơ và khớp.
  • Tránh tắm nước lạnh mà nên tắm nước ấm mỗi ngày để giảm đau và cứng khớp.
  • Nghỉ ngơi hợp lý và có thể sử dụng thiết bị hỗ trợ như gậy chống, đeo đai lưng… để giảm đau…

Mời bạn xem tiếp video:

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp | SKĐS



Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn