Thời gian gần đây, răng tôi rất hay bị buốt khi ăn cả đồ nóng và đồ lạnh. Tôi đi khám thì được bác sĩ cho biết tôi bị mòn khuyết cổ răng. Xin hỏi có biện pháp nào phòng tránh được bệnh này?
Hồ Thị Lan(Hải Phòng)
Mòn răng là một nguyên nhân gây phá hủy mô răng. Trong đa số các trường hợp mòn răng đều có tăng nhạy cảm của răng khi ăn uống. Mòn khuyết ở cổ răng thường bị đau buốt khi ăn đồ nóng, lạnh, chua, ngọt, nếu nặng hơn có thể gây viêm tủy, hoại tử tủy và viêm quanh chóp răng. Nguyên nhân gây mòn răng bao gồm mòn răng cơ học (chải răng quá mức, nghiến răng...) và mòn răng hóa học (do tiếp xúc với dung dịch có tính acid lâu ngày gây mất cấu trúc của răng như nước ngọt có ga, trái cây có vị chua...) hay do nguyên nhân khác. Việc điều trị mòn răng do bác sĩ nha khoa chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân gây mòn, mức độ nặng nhẹ, sự lan rộng của tổn thương, tuổi và sự hợp tác của người bệnh, tính nhạy cảm của răng. Mòn răng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tránh các nguyên nhân gây mòn răng như đã nêu trên, chẳng hạn như không sử dụng những thức ăn quá cứng, điều trị tật nghiến răng, sử dụng bàn chải mềm và chải răng đúng cách vì nếu không sẽ gây mòn răng cơ học rất nhanh. Những công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với hơi và bụi nước có tính acid (ở các nhà máy sản xuất ắc-quy chì...) cần phải có bảo hộ lao động. Trong thư bạn không nói rõ bạn bị mòn răng hàm hay răng cửa nên chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể được. Tốt nhất bạn nên tới bác sĩ nha khoa để khám, tránh để răng mòn thêm. Ngoài ra, cũng cần nói thêm, trong trường hợp răng lệch lạc cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn nắn chỉnh răng để các răng được ngay ngắn, tạo nên sự ăn khớp của hai hàm, tránh hiện tượng mòn quá mức ở một số vị trí của hàm răng.
BS. Nguyễn Đức Nam