Lê Thị Minh (Yên Bái)
Mắt bị cườm hay còn gọi là đục thủy tinh thể thường đi liền với tuổi tác, sự thay đổi một số chất hóa học trong mắt; sự tiếp xúc với tia cực tím và là nguyên nhân gây mù lòa. Trong mắt cũng có một bộ phận nằm phía trước gọi là thủy tinh thể, giống như ống kính của máy ảnh. Thủy tinh thể có nhiệm vụ điều chỉnh ánh sáng và các hình ảnh bên ngoài cho rõ, rồi rọi chiếu chúng lên trên võng mạc, giúp ta trông thấy mọi vật bên ngoài được rõ ràng. Như vậy, qua một thủy tinh thể bị đục do cườm, mọi vật ta nhìn thấy nhòa đi, không rõ nét. Mặt khác, khi ta nhìn thẳng vào ánh mặt trời hoặc ánh đèn xe, thị giác càng kém hơn do mắt bị lóa.
Không có loại thuốc nào để chữa bệnh mắt cườm - đục thủy tinh thể, chỉ có phương pháp phẫu thuật để lấy cườm ra là hiệu quả nhất. Hiện nay phẫu thuật thay thủy tinh thể rất hiện đại và hiệu quả. Sau khi thủy tinh thể bị đục được lấy ra, một thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào mắt để thay thế cho cái cũ. Chúng ta cứ để nó ở đấy suốt đời.
Ngay sau giải phẫu, người mổ đục thủy tinh thể đã có thể hoạt động bình thường trở lại, đọc sách, đi bộ, ăn uống, xem truyền hình, và đa số sinh hoạt hoặc đi làm lại sau 1 tuần. Người mổ đục tinh thể thường sẽ nhìn rõ, không phải đeo kính sau mổ. Một số trường hợp cần đeo kính khi đọc sách hoặc lái xe.
Bạn nên đưa mẹ bạn đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và có chỉ định điều trị hiệu quả.