Cách dưỡng sinh phòng bệnh

SKĐS - Con người không ai có thể thoát khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hóa, cũng không có phép thuật hay phương thuốc bí truyền huyền diệu nào có thể giúp cho con người “trường sinh bất tử”, nhưng bằng sự hiểu biết quy luật và khả năng thích ứng của mình, con người có thể hoàn toàn đạt được mục đích sống khỏe hơn và sống lâu hơn.

Xưa kia, nhiều đấng quân vương, nhiều nhà quyền quý đã từng đua nhau đi tìm phép dưỡng sinh kỳ bí với mong ước sống sao cho thật lâu để tận hưởng vinh hoa phú quý. Thậm chí, không ít ông vua suốt đời ôm giấc mộng có được một bí thuật nào đó để thỏa mãn mục đích cao nhất là “trường sinh bất tử”. Tần Thủy Hoàng và Hán Võ Đế là hai vị hoàng đế tiêu biểu nhất trong lịch sử Trung Quốc đã huy động sức người, sức của sẵn có trong tay cố tìm cho được thứ thuốc “trường sinh bất lão”. Nhưng tại sao tất cả đều thất bại và tuổi thọ của hai vị hoàng đế đều không kéo dài thêm được bao lâu?

Bài viết dưới đây xin được giới thiệu cùng bạn đọc phương pháp vô cùng độc đáo của y học phương Đông: Dưỡng sinh trường thọ là phương pháp dự phòng bệnh tật, bảo vệ và phục hồi sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Nội dung của dưỡng sinh trường thọ

Kiện thân (dưỡng thân): Để đạt được điều này, ba vấn đề quan trọng nhất cần thực hành là: ăn uống khôn ngoan, dùng thuốc hợp lý và vận động, tập luyện đúng cách.

Dùng thuốc để cường thân ích thọ là việc nên làm, song theo phép dưỡng sinh trường thọ thì phải “biện chứng thi trị”, nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và tình hình sức khỏe bệnh tật cụ thể của mỗi người mà lựa chọn và dùng thuốc cho phù hợp, cơ thể thiếu cái gì thì bù đắp cái đó, không được sử dụng vô độ, bừa bãi. Nước chảy thường xuyên thì không biến mùi, trục cánh cửa luôn quay thì không han gỉ, cơ thể con người cũng cần vận động và tập luyện thường xuyên thì mới mong có được sức khỏe và trường thọ.

Tập luyện có nhiều cách, cách nào cũng có mặt tích cực và mặt hạn chế, cho nên cần lựa chọn cho mình bài tập phù hợp và tham khảo hướng dẫn của các nhà chuyên môn để đạt được hiệu quả mong muốn.

Dưỡng tâm (dưỡng thần) nghĩa là sử dụng các biện pháp cần thiết để điều hòa đời sống tinh thần, tình cảm cốt sao đạt được sự ổn định và cân bằng. Theo y học cổ truyền, “thần” là một trong ba thứ cực kỳ quan trọng (tam bảo) của nhân thể cùng với “tinh” và “khí”. Một trong những điều cơ bản là “hình thần hợp nhất”, nghĩa là giữa thể xác và tinh thần luôn có một mối quan hệ biện chứng mật thiết. Muốn cho thân thể cường tráng và trường thọ thì nhất thiết phải chủ động xác lập một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Quách Khang Bá, dưỡng sinh gia trứ danh Trung Quốc nói: “Tự thân hữu bệnh tự thân tri, thân bệnh hoàn tương tâm tự y. Tâm cảnh tịnh thời thần diệc tịnh, tâm sinh hoàn thị bệnh sinh thì” (Thân mình có bệnh chính mình biết, thân bệnh thì nên chữa tâm đi! Tâm trạng được yên bệnh sẽ hết, tâm mà rối loạn bệnh tất nguy).

Mỹ dung (cái đẹp có tính tự nhiên và chỉnh thể, đẹp cả trong lẫn ngoài, cả thể xác và tâm hồn). Trong mỹ dung dưỡng sinh cổ truyền phương Đông, điều đó có nghĩa là phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “hình thần kiêm cố, nội ngoại đồng trị”. Sở dĩ cần làm như vậy là vì: vùng mặt chỉ là một bộ phận của cơ thể con người, muốn đạt được mục đích làm đẹp thì nếu chỉ bảo dưỡng vùng mặt không thôi thì chưa đủ, mà phải làm cho công năng tạng phủ điều hòa, kinh mạch vận hành thông suốt, khí huyết toàn thân vượng thịnh thì không những chỉ riêng bộ mặt mà dung mạo toàn thân cũng toát lên vẻ đẹp tự nhiên và bền vững.

Nguyên tắc dưỡng sinh trường thọ

Thuận ứng với hoàn cảnh: Cổ nhân khuyên phải “thuận thiên thời”, tức là phải thích ứng với tự nhiên và phải lợi dụng tự nhiên nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Ví như, nhà ở phải thoáng khí, mát về mùa hạ, ấm về mùa đông, “trong vườn trồng vài cây hoa,... trước thềm đặt chậu nước lớn nuôi vài con cá vàng... phủi bụi, cắm hoa, câu cá... chẳng phải lo lắng buồn phiền” (theo sách Lão lão hằng ngôn) hay như sách Hoàng Đế nội kinh viết: “Hạ tam nguyệt... dạ ngọa tảo khởi, vô yếm ư nhật”, nghĩa là: mùa hạ hàng ngày nên dậy sớm để thuận ứng với sự hưng thịnh của dương khí, đi ngủ muộn một chút để thuận với âm khí suy vi, không nên khó chịu, ghét bỏ cái việc ngày dài trời nóng. Có thể nói, quan điểm dưỡng sinh thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên để đạt được mục đích kiện thân, khứ bệnh và trường thọ.

Vận động hợp lý: Y thư cổ viết: “Sinh mạng tại vu vận động” (sự sống là ở vận động) hay “hình bất động tắc tinh bất lưu, tinh bất lưu tắc khí uất” (cơ thể không vận động thì tinh không lưu thông được, tinh không lưu thông thì khí bị uất lại). Bởi vậy, cổ nhân khuyên nên “tập hít thở, thở ra khí cũ, hít vào khí mới, như con gấu vươn thân, con chim vỗ cánh là để sống lâu vậy” hay “hết thảy những ngày khí hậu bình thường, đều tùy trời nóng lạnh mà ra khỏi nhà đi bộ 3 dặm, 2 dặm, 300 bước, 200 bước đều tốt” (theo sách Bảo sinh danh) hay “theo đạo dưỡng sinh, không nên đi nằm sau khi ăn hoặc không ngồi suốt ngày, vì như thế làm khí huyết ngưng kết, lâu dần ắt tổn thọ” (theo sách Thọ thế bảo nguyên). Có thể nói nguyên tắc vận động hợp lý là nguyên tắc cơ bản và then chốt của phép dưỡng sinh.

Cân bằng và toàn diện: Ăn uống không nên thiên lệch, lao động không được quá sức, suy nghĩ chớ có cực đoan, tình dục cũng đừng thái quá... Cần vận dụng tổng hợp các biện pháp thì mới mong đạt được hiệu quả cao nhất của phép dưỡng sinh trường thọ. Ví như, cổ nhân khuyên “ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ tinh ích khí” ý nói nên ăn đầy đủ và cân đối giữa ngũ cốc, thịt cá, hoa quả và rau; hay phải luôn luôn chú ý giữ cân bằng âm dương trong đời sống tinh thần vì “nộ thương can, hỉ thương tâm, tư thương tỳ, ưu thương phế, khủng thương thận” (giận quá hại can, mừng quá hại tâm, suy nghĩ quá hại tỳ, ưu phiền quá hại phế, sợ hãi quá hại thận).

Vận dụng phù hợp: Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi cá thể đều có những đặc điểm khác nhau về cấu trúc cơ thể, tuổi tác, giới tính, điều kiện sống và làm việc, tình trạng bệnh tật... Cho nên, phương pháp dưỡng sinh cũng phải tuân thủ nguyên tắc “nhân nhân chế nghi, nhân thời chế nghi, nhân địa chế nghi”, nghĩa là phải tùy người, tùy thời, tùy nơi mà vận dụng cho phù hợp.

Ăn uống là điều kiện cơ bản để duy trì sự sống và quá trình sinh trưởng, phát dục của cơ thể, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo đầy đủ, cân bằng, điều độ và vệ sinh.

ThS. Vương Khánh Mai
Ý kiến của bạn