Hà Nội

Cách dùng tỏi phòng chống cúm

SKĐS - Công dụng kháng khuẩn, kháng virus của tỏi là điều không còn phải bàn cãi, nhưng cách thức sử dụng như thế nào để đạt được hiệu quả phòng chống cúm cao nhất thì không phải ai cũng đã tường tận.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số cách dùng cụ thể để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Cách 1: Tỏi 100g, gừng tươi 100g, giấm ăn 500ml. Tỏi và gừng rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào lọ ngâm với giấm, bịt kín, sau chừng 30 ngày thì dùng được, pha chế với nước chấm hoặc mỗi ngày uống 10ml sau bữa ăn.

Cách 2: Tỏi 1 củ, bóc vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi dùng nước sôi để nguội pha loãng gấp 10 lần, nhỏ mũi mỗi ngày từ 3 - 5 lần. Hoặc dùng nửa tép tỏi, giã nhuyễn trong chén đã rửa sạch rồi cho 10ml nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) vào chén, khuấy nhẹ, bỏ bã, gạn lấy phần nước trong, dùng để nhỏ mũi 2 - 3 lần trong ngày.

Cách 3: Tỏi 60g, đậu xị 30g. Hai thứ đem nấu thành canh ăn trong ngày, mỗi ngày 1 thang, dùng liền trong 3 ngày.

Cách 4: Tỏi 2 củ, lá tre tươi 20g, lá sen 10g, lá cải củ 30g. Tất cả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước nhỏ mũi 2 - 3 lần trong ngày.

Cách 5: Tỏi 6 củ, gừng tươi 12g, một ít đường đỏ. Tất cả đem sắc lấy nước uống nóng, mỗi ngày 1 thang.

Cách 6: Tỏi 25g, hành củ 50g. Hai thứ rửa sạch, thái nhỏ, sắc kỹ với 250ml nước, uống mỗi lần 1 chén, mỗi ngày 3 lần.

Cách 7: Tỏi 10g, lá bạc hà 20g, lá ngải cứu 30g, lá đại thanh (lá bọ mẩy) 12g, thạch xương bồ 12g. Các vị giã nát rồi bỏ vào trong một cái túi vải, đem đeo trước ngực để phòng chống cảm cúm.

Cách 8: Tỏi 6g, lá bạc hà 6g, lá đại thanh 20g, rễ chàm 12g. Các vị thuốc đem giã nát, bỏ vào trong một cái chén nhỏ, mỗi ngày ngửi vài ba lần.


BS. Thanh Hà
Ý kiến của bạn